13:19 19/09/2023

Saudi Arabia: Giảm sản lượng dầu không phải để đẩy giá dầu tăng

Bình Minh

Tuyên bố được Riyadh đưa ra giữa lúc giá dầu thế giới đang tiến dần về ngưỡng 100 USD/thùng...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia lên tiếng bảo vệ quyết định của nước này gia hạn việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu, khẳng định rằng động thái này không nhằm đẩy dầu thô tăng giá. Tuyên bố được Riyadh đưa ra giữa lúc giá dầu thế giới đang tiến dần về ngưỡng 100 USD/thùng.

Đầu tháng này, Saudi Arabia và Nga tuyên bố sẽ gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác và lượng xuất khẩu dầu cho tới hết năm nay, thay vì tới hết tháng 10 như kỳ vọng trước đó của thị trường. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London - giá tiêu chuẩn của thị trường dầu lửa toàn cầu - đã tăng hơn 5% kể từ khi việc gia hạn cắt giảm sản lượng được công bố, hiện đạt gần 95 USD/thùng - mức đỉnh mới của năm 2023.

Phiên ngày 18/9, giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,71 USD/thùng, chốt ở 91,48 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 0,5 USD/thùng, chốt ở 94,43 USD/thùng.

Tính đến tuần trước, giá cả hai loại dầu đã tăng 3 tuần liên tiếp, đạt mức cao nhất kể từ tháng 11. Giá dầu đang trên đà hoàn tất quý tăng mạnh nhất kể từ quý 1/2022 - thời điểm nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine. Giá dầu Brent đã ở trạng thái “mua quá nhiều” (overbought) suốt 7 phiên liên tiếp, còn giá dầu WTI đã có 5 phiên liên tiếp ở trạng thái như vậy.

“Đây không phải là việc đẩy giá dầu lên, mà là đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp với những dữ liệu mà chúng tôi có”, hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, phát biểu ngày 18/9 trong tuyên bố công khai đầu tiên của ông kể từ khi việc giảm sản lượng được gia hạn.

Ông Abdulaziz nói không có gì đảm bảo chắc chắn rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu - nhân tố khiến nhu cầu dầu của thế giới tăng mạnh - sẽ duy trì. “Không ai biết tăng trưởng kinh tế châu Âu sẽ như thế nào. Cũng không ai biết các ngân hàng trung ương sẽ làm gì tiếp theo với lãi suất. Và cũng chẳng ai biết nền kinh tế Mỹ sẽ diễn biến như thế nào trong bối cảnh những gì đang xảy ra trên thế giới”, vị Bộ trưởng phát biểu trước các nhà lãnh đạo của ngành dầu khí có mặt tại sự kiện mang tên World Petroleum Congress ở Calgary, Canada.

Nhiều nhà phân tích dự báo giá dầu sẽ tiếp tục tăng vì việc Saudi Arabia và Nga cắt giảm sản lượng sẽ hạn chế nguồn cung giữa lúc nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng tốc. Cùng ngày 18/9, CEO Mike Wirth của công ty năng lượng Mỹ Chevron đã trở thành nhân vật cấp cao mới nhất đưa ra dự báo rằng giá dầu sẽ sớm vượt mốc 100 USD/thùng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) - định chế có trụ sở ở Paris, Pháp - trong một báo cáo mới đây đã dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ lập kỷ lục mới bình quân 101,8 triệu thùng/ngày trong năm nay, chủ yếu do sự gia tăng nhu cầu dầu của Trung Quốc. Cũng theo IEA, việc Saudi Arabia và Nga cắt giảm sản lượng dầu sẽ khiến thị trường dầu toàn cầu rơi vào tình trạng “thiếu cung nghiêm trọng” trong thời gian còn lại của năm nay.

Diễn biến giá dầu thế giới 6 tháng qua. Đơn vị: USD/thùng.
Diễn biến giá dầu thế giới 6 tháng qua. Đơn vị: USD/thùng.

Phát biểu ngày 18/9, hoàng tử Abdulaziz cũng đẩy cao cuộc “khẩu chiến” của Riyadh với IEA, nói rằng một số lời chỉ trích nhằm vào việc OPEC+ giảm sản lượng là “đáng xấu hổ”. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga.

“Chẳng có gì trong số những cảnh báo mà họ đưa ra, và có lẽ cả những mốc thời gian mà họ dự báo, là chính xác. Từ chỗ là một nhà dự báo và người đánh giá thị trường, họ đã trở thành một tổ chức vận động chính sách”, ông Abdulaziz nói. Vị Bộ trưởng nói thêm rằng Saudi Arabia có thể điều chỉnh việc cắt giảm sản lượng nếu cần thiết, nhưng “chúng tôi cần phải thận trọng về những việc này”.

Giá dầu tăng gây sức ép lên chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bối cảnh ông Biden sẽ tái tranh cử vào năm tới. Dù vậy, Washington không muốn công khai phê phán Riyadh về việc cắt giảm sản lượng, bởi Mỹ đang theo đuổi một thoả thuận nhằm bình thường hoá quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel.