09:21 13/09/2023

Vì sao dự án điện gió ngoài khơi ở Anh ế ẩm?

Điệp Vũ

Chính phủ Anh mới đây cho biết không có doanh nghiệp nào chào giá trong cuộc đấu giá mới nhất dành cho các hợp đồng điện gió ngoài khơi...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Guardian.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Guardian.

Thất bại này nối dài chuỗi thách thức đối với ngành điện gió của Anh - lĩnh vực vốn được coi là chủ lực về năng lượng tái sinh ở nước này.

Theo tờ New York Times, các công ty phát triển điện gió hờ hững với cuộc đấu giá nói trên bởi mức hỗ trợ giá tối thiểu mà Chính phủ Anh đưa ra không đủ hấp dẫn. Kết quả không nằm ngoài dự báo này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Công Đảng đối lập và các nhóm hoạt động môi trường.

Người phát ngôn Ed Miliband của Công Đảng nói với hãng tin BBC rằng kết quả của cuộc đấu giá “hoàn toàn là một thảm hoạ” mà lẽ ra Chính phủ của Đảng Bảo thủ phải lường trước.

Cuộc đấu giá thất bại là một đòn giáng vào mảng năng lượng gió ngoài khơi, công nghệ mà các chính phủ và doanh nghiệp tiện ích ở châu Âu và Mỹ đang đặt cược để mang lại sản lượng lớn điện sạch nhằm chống lại sự biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, Chính phủ Anh đặt mục tiêu đến năm 2030 tăng gấp ba lần công suất phát điện gió ngoài khơi của nước này.

Đối mặt với chi phí gia tăng ở mọi phương diện của các trang trại điện gió ngoài khơi, từ tua-bin gió cho tới thép và đồng, các nhà phát triển điện gió đang phát tín hiệu rằng họ cần có doanh thu cao hơn để đưa các dự án điện gió ngoài khơi trở nên khả thi về mặt tài chính. Cho tới hiện tại, các chính phủ về cơ bản đều từ chối thay đổi các điều kiện đặt ra, nên doanh nghiệp điện gió như thể đang “đình công”, khiến các dự án có thể bị trì hoãn hoặc thậm chí một số dự án bị huỷ bỏ.

Sau khi giảm mạnh trong 2 thập kỷ qua, chi phí sản xuất điện gió ngoài khơi cũng đang có dấu hiệu tăng trở lại.

Cuộc đấu giá dự án điện gió ngoài khơi của Chính phủ Anh vừa rồi không đến mức là một thảm hoạ như đánh giá của các nhà phê bình. Nhà phân tích Deepa Venkateswaran của công ty nghiên cứu Bernstein nói rằng các tiêu chuẩn và các cân nhắc khác đã khiến cho rất ít doanh nghiệp phát triển điện gió có thể tham gia cuộc đấu giá này.

Tuy nhiên, các cuộc đấu giá về điện gió trong đất liền và điện mặt trời đã thu hút được doanh nghiệp tham gia.

Chính phủ Anh hỗ trợ ngành năng lượng tái sinh thông qua một hệ thống trợ cấp được gọi nôm na là “hợp đồng cho sự khác biệt”. Về bản chất, các doanh nghiệp năng lượng tái sinh được đảm bảo được trả một mức giá nhất định - ước tính khoảng 69 bảng Anh/megawatt giờ trong trường hợp điện gió ngoài khơi - đối với điện mà họ sản xuất ra.

Sự đảm bảo này nhằm mang đến cho doanh nghiệp một sự chắc chắn và khuyến khích các định chế tài chính sẵn sàng cấp những khoản vốn lớn, lên tới hàng tỷ USD, cần thiết cho việc xây dựng các trang trại điện gió lớn.

Cho tới gần đây, hệ thống này của Anh nhận được đánh giá tốt và đã giúp khuyến khích đầu tư lớn vào lĩnh vực năng lượng tái sinh. Nhưng gần đây hơn, khi lạm phát tăng cao, nỗ lực của Chính phủ Anh trong việc dùng chương trình hỗ trợ này để kéo giá điện xuống cho người tiêu dùng đã khiến các nhà phát triển điện tái sinh không còn mặn mà.

Vattenfall, một công ty năng lượng tái sinh lớn của Anh, đã tạm dừng một dự án điện gió ở Biển Bắc trong năm nay, nói rằng chi phí bị đội thêm tới 40%.

Vấn đề này không chỉ xảy ra ở châu Âu. Các nhà phát triển điện gió ngoài khơi ở Mỹ cũng đang tìm cách đàm phán lại điều khoản của hợp đồng cung cấp điện. Một số sẵn sàng phá hợp đồng và chịu phạt tài chính. Mới đây, công ty điện gió ngoài khơi lớn nhất của Mỹ là Orsted, cho biết có thể phải bút toán giảm giá trị tài sản 2 tỷ USD đối với các dự án ở Mỹ và cảnh báo có thể huỷ dự án.

Giới phân tích cho rằng loạt vấn đề đối với một công nghệ đã được quảng bá rầm rộ như điện gió có thể sẽ buộc các chính phủ phải điều chỉnh các điều khoản của họ cho các cuộc đấu giá trong tương lai. Ở Anh, thất bại của cuộc đấu giá vừa rồi “gây áp lực lên Chính phủ Anh phải thay đổi các điều khoản đấu giá” - theo chuyên gia Venkateswaran.

Chính phủ Anh có vẻ như đang chịu sự suy giảm uy tín vì hình ảnh xấu đi của ngành công nghiệp điện gió, lĩnh vực vốn được coi là một thành công lớn ở nước này. “Chúng tôi sẽ làm việc với ngành điện gió để đảm bảo giữ vững vị trí dẫn đầu toàn cầu của nước Anh về công nghệ quan trọng này”, một thông cáo báo chí của Chính phủ Anh hôm thứ Sáu có đoạn.

Một số nhà phân tích cho rằng hệ thống hỗ trợ thiếu hiệu quả của Chính phủ Anh có thể sẽ dẫn tới việc các doanh nghiệp điện gió của nước này mất dần hứng thú với các chương trình trợ cấp.