Sẽ không tăng giá đột biến sách giáo khoa lớp 1 mới
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để báo cáo Chính phủ có cơ chế đảm bảo giá sách giáo khoa phù hợp, tránh tăng giá đột biến
Đây là thông tin tại lễ công bố quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, chiều 22/11.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, kết quả công bố hôm nay được thực hiện sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp nhận sách giáo khoa từ 3 đơn vị đề nghị thẩm định, gồm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh.
Tổng số có 49 bản mẫu sách giáo khoa đối với 9 môn học ở lớp 1.
Cụ thể, môn Tiếng Việt, môn Toán, môn tiếng Anh, môn Hoạt động trải nghiệm và môn Đạo đức mỗi môn có 6 bản mẫu; môn Tự nhiên-Xã hội, môn Nghệ thuật (Âm nhạc), môn Nghệ thuật (Mĩ thuật) mỗi môn 5 bản mẫu, riêng môn Giáo dục thể chất có 4 bản mẫu.
Hội đồng tiến hành thẩm định từng bản mẫu sách giáo khoa và kết luận theo ba mức: "Đạt", "Đạt nhưng cần sửa chữa" và "Không đạt".
Sau 2 vòng thẩm định, kết quả có 38/49 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 ở tất cả 9 môn học/hoạt động giáo dục (77,70%) được đánh giá mức "Đạt"; có 11/49 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 ở 6 môn học/hoạt động giáo dục (22,3%) được đánh giá ở mức "Không đạt".
Kết quả thẩm định của các hội đồng vừa qua cho thấy, nhiều bản mẫu sách giáo khoa được các tác giả xây dựng công phu, cẩn thận, tâm huyết trên cơ sở tuân thủ định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông với trọng tâm là chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực.
Nhiều bản mẫu sách giáo khoa có quan điểm biên soạn riêng, cấu trúc sách mới, hiện đại, tiếp cận với cách biên soạn sách của các nước tiên tiến trên thế giới nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với điều kiện nhà trường và học sinh tiểu học Việt Nam.
Đồng thời, bảo đảm tính "mở", linh hoạt, tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo theo định hướng và quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Về việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông, hiện nay, dự thảo Thông tư lựa chọn sách giáo khoa đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi theo quy định biên soạn, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thông tư sẽ được hoàn thiện để sớm trình Bộ trưởng phê duyệt ban hành, kịp thời gian để các địa phương tổ chức lựa chọn sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu năm học mới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương, các Nhà xuất bản thực hiện tốt các khâu lựa chọn sách giáo khoa lớp 1, tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện việc in và phát hành sách giáo khoa đảm bảo đủ số lượng, kịp thời về tiến độ thời gian cho năm học 2020-2021 và các năm học tiếp theo.
Liên quan đến vấn đề giá sách giáo khoa, ông Ngô Văn Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, đây là vấn đề có liên quan đến các cơ quan khác như Bộ Tài chính.
Do đó, sắp tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu báo cáo Chính phủ để có cơ chế đảm bảo giá sách cho phù hợp, tránh tăng giá đột biến, trong trường hợp vượt thẩm quyền của Chính phủ, sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.