Sếp Facebook ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về bê bối dữ liệu
Nếu ông Zuckerberg không có những câu trả lời thỏa đáng, Quốc hội Mỹ có thể đưa ra luật mới nhằm siết quản lý Facebook
Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) mạng xã hội Facebook, ông Mark Zuckerberg, ngày 9/4 đã xuất hiện trước các nghị sỹ Mỹ để chuẩn bị cho cuộc điều trần kéo dài 2 ngày về vụ bê bối làm lộ dữ liệu người dùng gây rúng động.
Theo hãng tin Reuters, thay vì mặc bộ trang phục quen thuộc là áo phông xám và quần jean, ông Zuckerberg đã mặc một bộ vest màu tối và thắt cà vạt màu tím đậm khi có mặt tại Đồi Capitol. Ông được hộ tống bởi lực lượng cảnh sát và theo sát bởi đông đảo các nhà báo.
Tại đây, ông đã đưa ra lời xin lỗi về vụ bê bối: "Chúng tôi đã không có cái nhìn đủ rộng về trách nhiệm của mình, và đó là một sai lầm lớn. Đó là lỗi của tôi, và tôi xin lỗi".
Trong cuộc điều trần tổ chức vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này, vị CEO sẽ đối mặt với hàng loạt câu hỏi từ các nghị sỹ Mỹ xoay quanh việc Facebook chia sẻ một cách không phù hợp dữ liệu của 87 triệu người dùng với công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica.
Ngoài ra, các nghị sỹ cũng dự kiến chất vấn ông Zuckerberg về những quảng cáo và bài viết mà họ cho là của Nga nhằm mục đích gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 - một cáo buộc mà Moscow phủ nhận.
Nếu ông Zuckerberg không đưa ra được những câu trả lời thỏa đáng, Quốc hội Mỹ có thể ban hành luật mới nhằm siết chặt quản lý Facebook. Lường trước khả năng này, Facebook đã tuyên bố ủng hộ quy định mới yêu cầu các mạng xã hội công khai danh tính của khách hàng mua quảng cáo chính trị, giống như quy định hiện hành ở Mỹ đối với các đài phát thanh và truyền hình.
Việc siết chặt quản lý cách Facebook sử dụng dữ liệu người dùng có thể ảnh hưởng đến khả năng thu hút quảng cáo - nguồn thu chính của mạng xã hội này. Giá cổ phiếu Facebook đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai với mức tăng 0,5%. Từ mức đỉnh thiết lập vào tháng 1, cổ phiếu Facebook đến nay đã giảm khoảng 17%.
Tài liệu chuẩn bị cho phiên điều trần của ông Zuckerberg cho biết Facebook hiện có khoảng 15.000 nhân viên chuyên về bảo mật và rà soát nội dung, và con số này dự kiến sẽ tăng lên mức 20.000 nhân viên vào cuối năm 2018. "Bảo vệ cộng đồng của chúng tôi là điều quan trọng hơn tối đa hóa lợi nhuận của chúng tôi", ông Zuckerberg nói trong tài liệu.
Cũng giống như các công ty công nghệ lớn khác, Facebook trước đây luôn phản đối việc đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về bảo mật. Bởi vậy, việc Facebook vào hôm thứ Sáu tuyên bố ủng hộ việc có luật mới yêu cầu các mạng xã hội công khai danh tính của khách hàng mua quảng cáo chính trị được coi là một bước ngoặt lớn.
Một lãnh đạo của Facebook xác nhận rằng công ty này đã thuê một đội ngũ luật sư từ công ty luật nổi tiếng WilmerHale và các nhà tư vấn bên ngoài để giúp ông Zuckerberg chuẩn bị cho cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ.