Sếp Grab tuyên bố “không vấn đề gì” vụ mua lại Uber
Tuy nhiên, cả Singapore, Malaysia và Philippines, đều đang xem xét liệu thương vụ Grab-Uber có vi phạm luật cạnh tranh
Giám đốc điều hành (CEO) của ứng dụng gọi xe Grab bày tỏ tin tưởng rằng các cơ quan chức năng sẽ không gây trở ngại cho thương vụ mà công ty này mua lại hoạt động tại khu vực Đông Nam Á của đối thủ Uber.
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin BBC, ông Anthony Tan nói "không thấy có vấn đề gì" trong quá trình đi đến thỏa thuận Grab-Uber.
Tuần trước, Grab - ứng dụng gọi xe phổ biến nhất Đông Nam Á - tuyên bố sẽ mua lại Uber tại thị trường này với mức giá không được công bố.
Tuy nhiên, nhà chức trách một loạt quốc gia, gồm Singapore, Malaysia và Philippines, đều đang xem xét liệu thương vụ trên có vi phạm luật cạnh tranh.
Cơ quan quản lý cạnh tranh của Philippines nói thỏa thuận này tạo ra tình trạng độc quyền, trong khi giới chức Malaysia tuyên bố sẽ theo dõi để xác định Grab có hành vi chống tự do cạnh tranh hay không.
Tuần trước, nhà chức trách Singapore nói "có cơ sở hợp lý" để cho rằng thỏa thuận Grab-Uber vi phạm luật cạnh tranh. Singapore đồng thời tung các biện pháp tạm thời yêu cầu Grab và Uber duy trì sự định giá dịch vụ một cách độc lập như trước khi diễn ra thỏa thuận cho tới khi nhà chức trách hoàn thành công tác rà soát.
Nhiều nhà phân tích đã cảnh báo rằng vụ thâu tóm này có thể dẫn tới giá dịch vụ cao hơn và ít lựa chọn hơn cho người tiêu dùng.
Khi được BBC hỏi về mối quan ngại của các cơ quan chức năng, ông Tan nói: "Đến nay, không hề có vấn đề gì. Không có vấn đề gì trong quá trình đạt thỏa thuận. Dĩ nhiên, luôn có những cách để chúng tôi làm cho thỏa thuận trở nên tốt hơn. Luôn có những cách để chúng tôi có thể phục vụ khách hàng tốt hơn".
Ông Tan cũng khẳng định Grab sẽ làm việc với nhà chức trách ở cả ba quốc gia nói trên và cam kết duy trì mức phí dịch vụ cơ sở hiện tại để bảo vệ người tiêu dùng.
"Vấn đề lớn nhất mà các nhà chức trách quan tâm là làm thế nào chúng tôi có thể đảm bảo là chúng tôi không lợi dụng vị thế của mình. Vậy thì chúng tôi ở đó, rất rõ ràng và khẳng định: ‘Các vị hãy xem đi, chúng tôi sẽ không áp đặt mức giá chát, chúng tôi sẽ không lợi dụng tài xế’".
Theo thỏa thuận Grab-Uber, công ty Mỹ sẽ nhận 27,5% cổ phần trong Grab, công ty có trụ sở ở Singapore. Đổi lại, toàn bộ hoạt động của Uber tại Đông Nam Á sẽ về tay Grab. Trước thỏa thuận này, Uber đã đầu tư khoảng 700 triệu USD vào Đông Nam Á nhưng không có lãi.
CEO Dara Khosrowshahi của Uber - người đang chuẩn bị cho công ty này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2019 - hiểu rằng cần phải rút khỏi những thị trường kém hiệu quả để có được một vụ phát hành thành công.
Trước khi rút khỏi Đông Nam Á, Uber đã rút khỏi thị trường Trung Quốc vào năm 2016 và tiếp đó là thị trường Nga.