Sếp Hòa Phát: “Chưa bao giờ thế giới dựng hàng rào khủng khiếp như bây giờ”
"Chưa bao giờ thế giới dựng hàng rào khủng khiếp như bây giờ, tháng này Hoà Phát xuất khẩu sang Malaysia 50.000 tấn thép mà có tăng lên 55.000 tấn là họ làm hồ sơ kiện luôn"
"Chưa bao giờ thế giới dựng hàng rào khủng khiếp như bây giờ, tháng này Hoà Phát xuất khẩu sang Malaysia 50.000 tấn thép mà có tăng lên 55.000 tấn là họ làm hồ sơ kiện luôn", ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG) chia sẻ tại Đại hội cổ đông năm 2019.
Kế hoạch lợi nhuận giảm 22%
Tại đại hội, ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoà Phát cho biết, năm 2018 doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn đạt 56.580 tỷ đồng và 8.600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 21% và 7% so với năm 2017.
Tính đến cuối 2018, tập đoàn có tổng vốn chủ sở hữu 40.625 tỷ đồng, tăng 25% và tổng tài sản đạt 78.223 tỷ, tăng 48% so với đầu năm. Trong đó, tổng vay ngắn hạn và dài hạn là 24.306 tỷ đồng, hệ số vay nợ ngân hàng trên vốn sở hữu đạt 0,6 lần.
Tuy nhiên, ông Dương cũng cho rằng chính sách thương mại Mỹ - Trung gây ra những tác động đáng kể đối với kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. Chính sách bảo hộ thương mại đang gia tăng tại nhiều khu vực và quốc gia cùng mức độ cạnh tranh ngày càng lớn, giá nguyên liệu tăng, lãi suất tăng ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh năm 2019 của tập đoàn.
"Năm 2019, doanh thu dự kiến tăng do khởi động lò cao số 1 dự án Khu liên hiệp Gang thép Dung Quất và dây chuyền tôn mạ màu vào hoạt động. Nhưng thách thức, giá nguyên nhiên liệu tăng, giá bán lại chiều hướng giảm, các dự án mới đưa vào vận hành chưa chạy đủ công suất, chi phí tài chính tăng do chính sách tín dụng thắt chặt.
Sau tính toán kỹ từ các công ty thành viên, Hoà Phát đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 70.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.700 tỷ", ông Dương chia sẻ. So với năm 2018, kế hoạch doanh thu của Hoà Phát tăng 25% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 22%.
Lý giải nguyên nhân của "kế hoạch hụt hơi" này, ông Trần Đình Long cho rằng do vụ vỡ đập ở Vale - phía đông nam Brazil đầu năm 2019. Đây là tập đoàn đang khai thác quặng lớn nhất thế giới và là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu của Hoà Phát. Việc vỡ đập khiến Chính phủ Brazil thắt chặt khai thác làm cho giá quặng thép tăng mạnh.
"Quặng sắt đang ở mức giá hơn 60 USD/tấn, sau vụ vỡ đập Vale đã tăng lên 85 USD - 90 USD/tấn, tức tăng hơn 20%. Mỗi một tấn thép cần tới 1,6 tấn quặng quy ra chi phí rõ ràng tăng mạnh. Giá điện và nhiều chi phí khác tăng theo nhưng giá bán thép lại không tăng tương ứng.
Nói là kế hoạch lợi nhuận giảm nhưng nhìn trong bức tranh toàn cảnh hiếm có doanh nghiệp nào trong giai đoạn mở rộng đầu tư dự án tới 50.000 - 60.000 tỷ lại có mức lợi nhuận tốt như Hoà Phát", ông Long nói năm 2018 lợi nhuận của Hoà Phát gấp 4,7 lần toàn bộ các công ty thép đang niêm yết trên 3 sàn chứng hoán HOSE, HNX và UpCoM.
Theo đó, giá quặng dự báo có thể giảm do Chính phủ Brazil đang nới lỏng cho khai thác quặng sau khi khắc phục sự cố Vale. Do đó, năm 2020 Hoà Phát có thể đạt doanh thu 100.000 tỷ.
Ngoài ra, chỉ còn 90 ngày nữa là Khu liên hiệp Hoà Phát - Dung Quất sẽ vận hành lò cao đầu tiên. Do đã đưa vào vận hành nên Hoà Phát không được được vốn hoá nữa mà phải ghi nhận vào chi phí sản xuất. Với khoản vay Vietcombank và Viettinbank khoảng 20.000 tỷ, dù lãi suất khá tốt dài hạn khoảng 7,5% - 9%/năm nhưng chi phí tài chính của tập đoàn sẽ bị tăng lên 2.000 tỷ đồng năm 2019 so với mức 700 tỷ năm 2018 là một chênh lệch lớn.
"Kế hoạch năm 2019 không phải là bốc thuốc hay bảo thủ dù năm nay chúng tôi cũng gần 60 tuổi rồi. Con số được xây dựng và xét duyệt nhiều lần nên tương đối chính xác, quý 1 năm nay công ty lãi khoảng 1.700 tỷ đồng", vị doanh nhân chia sẻ.
Về ngành tôn, Hoà Phát mới vận hành một nhà máy và đạt lợi nhuận khiêm tốn 17 tỷ năm 2018, dự kiến năm 2019 sẽ được vào vận hành 5 nhà máy thì lợi nhuận sẽ tăng lên 78 tỷ đồng năm nay.
Trong khi đó ngành chăn nuôi đang bị ảnh hưởng lớn bởi dịch tả lợn châu Phi. Ông Long cho biết, lĩnh vực chăn nuôi của tập đoàn đang dự thu về 600 tỷ đồng/năm nhưng thảm cảnh dịch bệnh xảy đến quá bất ngờ thổi bay hết lợi nhuận tháng 2, nếu tháng 3 này không cải thiện thì có thể lỗ. Tuy nhiên, ông Long cho rằng chăn nuôi là ngành bấp bênh, đã đầu tư thì phải chấp nhận.
"Lợi ích cổ đông trên hết"
Về thuế tự vệ thép, theo lộ trình là áp đến năm 2020 song ông Long tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục dựng hàng rào bảo vệ sản xuất trong nước, tạo việc làm, thu ngân sách cho quốc gia bởi đây là xu hướng trên toàn thế giới.
"Xu hướng toàn cầu mọi người đều biết là Tổng thống Trump với triết lý nước Mỹ trên hết, lợi ích quốc gia, quyền lợi dân tộc, việc làm của người Mỹ đã làm dấy lên chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu. Chưa bao giờ thế giới dựng hàng rào khủng khiếp như bây giờ, tháng này Hoà Phát xuất khẩu sang Malaysia 50.000 tấn thép mà có tăng lên 55.000 tấn là họ làm hồ sơ kiện luôn. Do đó Hoà Phát không đặt mục tiêu xuất khẩu quá cao", ông Long chia sẻ.
Hoà Phát đang gặp những khó khăn trong giai đoạn này nhưng ông Long vẫn khẳng định rất tự tin: "Mọi người hãy cứ tin tôi đi, từ quý 2/2019 thì Hoà Phát sẽ rất tốt. HPG vẫn là một cổ phiếu tốt, tôi là cổ đông lớn nhất và lợi ích cổ đông là trên hết. Cũng giống như Tổng thống Trump, lợi ích quốc gia trên hết. Không có lý do gì để xếp lợi ích của chính mình phía sau, tôi còn dự định mua vào tiếp cổ phiếu HPG".
Vị doanh nhân cho biết, hiện nay công ty đã dành 35.000 tỷ đồng để đầu tư dự án Hoà Phát - Dung Quất, suất đầu tư khoảng 400 USD/tấn thép, thấp hơn mức bình quân của thế giới. Thiết bị nhập của các nước G7.
"Chủ tịch của Formosa khi tiếp xúc cứ hỏi đi hỏi lại vì sao suất đầu tư của Hoà Phát thấp như thế. Suất đầu tư thấp bởi Hoà Phát làm dự án đúng thời điểm trũng của ngành thép. Giai đoạn 2 công ty sẽ làm thép cuộn cán nóng - doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam sản xuất được. Đồng thời công ty cũng sản xuất các loại thép dùng trong công nghiệp phụ trợ cơ khí, ôtô", ông Long khẳng định ngành thép vẫn là cốt lõi, dù Hoà Phát có mở rộng lĩnh vực nào thì cốt lõi đó không thay đổi.
Về lo ngại tiêu thụ thép khi sản lượng năm 2022 của Hoà Phát lên tới 12-13 triệu tấn/năm trong khi thị trường bất động sản đang khá trầm lắng, ông Long nói rằng đây cũng là một lo ngại nhưng trong lịch sử Hoà Phát sản xuất đến đâu bán hết đến đó, thậm chí có lúc không đủ hàng để bán.