08:07 09/11/2013

Siêu bão lớn chưa từng có sắp vào Việt Nam

Ngô Trang

Haiyan là cơn bão lớn chưa từng thấy, với cấp gió vượt qua mọi thang đo cấp gió quốc tế

 Đến chiều 8/11, siêu bão Haiyan đã ở khu vực miền Trung Philippines, 
mạnh cấp 16 - 17, giật cấp 17. Khi vào biển Đông, bão vẫn ở cấp rất cao,
 tốc độ di chuyển 30km/giờ.
Đến chiều 8/11, siêu bão Haiyan đã ở khu vực miền Trung Philippines, mạnh cấp 16 - 17, giật cấp 17. Khi vào biển Đông, bão vẫn ở cấp rất cao, tốc độ di chuyển 30km/giờ.
Siêu bão Haiyan có khả năng hủy diệt khủng khiếp với sức gió khoảng 315 km/giờ, giật 379 km/giờ dự kiến sẽ đổ bộ vào nước ta từ sáng 10/11.

Trước dự báo nguy cơ tàn phá của cơn bão được cho là lớn nhất từ trước đến nay, chiều 8/11, đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh, thành phố để bàn cách chống bão. Hai phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Hoàng Trung Hải cũng đã có mặt tại các tỉnh miền Trung để trực tiếp chỉ đạo đối phó với siêu bão.

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng, đến chiều 8/11, siêu bão Haiyan đã ở khu vực miền Trung Philippines, mạnh cấp 16 - 17, giật cấp 17. Khi vào biển Đông, bão vẫn ở cấp rất cao, tốc độ di chuyển 30 km/giờ.

Các cơ quan dự báo khí tượng trong khu vực đều nhận định đây là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử từng vào biển Đông và có thể là mạnh nhất từng vào bờ biển Việt Nam, có cấp độ ngang với những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử nhân loại như Andrew hay Katrina, từng tàn phá kinh hoàng tại nước Mỹ.

Đáng chú ý, theo ông Bùi Minh Tăng, Việt Nam chưa bao giờ có cơn bão nào mạnh hơn cấp 13 đổ bộ. Cơ quan Khí tượng Mỹ nhận định siêu bão Haiyan đạt cấp độ 5 - cấp độ lớn nhất theo thang báo của Mỹ, trong khi Việt Nam chưa trải nghiệm và chưa có kinh nghiệm đối phó với cơn bão nào có sức hủy diệt ở cấp độ 5.

Dự kiến các tỉnh, thành có cấp gió mạnh từ cấp 12 - 14, thậm chí có thể giật đầu cấp từ 15 - 17 gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Đặc biệt, tại các đảo ven bờ, ngoài khơi như Lý Sơn, Cồn Cỏ, Hòn Ngư, có thể sóng sẽ đánh rất sâu vào bờ.

Các tỉnh khuc vực Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên và Bắc Bộ, do ảnh hưởng của bão, dự báo sẽ có mưa to, từ 200 mm, một số nơi lượng mưa đạt từ 500 - 600 mm. Khu vực ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, nước biển có thể dâng kết hợp với triều cường cao từ 4-6 m, sóng biển từ 5-8 m, vùng gần tâm bão sóng có thể cao gần 10m.

Với sức tàn phán và vùng ảnh hưởng trên diện rộng, cơ quan khí tượng thuỷ văn nhận định “đây là hiện tượng chưa từng xảy ra ở nước ta và cần phải xem xét công bố tình trạng khẩn cấp”.

Phát biểu tại cuộc họp chiều 8/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, siêu bão số Haiyan là một cơn bão lớn chưa từng thấy với cấp gió vượt qua mọi thang đo cấp gió quốc tế, tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp và chắc chắn có sức tàn phá hết sức ghê gớm.

Do vậy, theo Thủ tướng, phòng tránh bão là nhiệm vụ số một của cả hệ thống chính trị. Các tỉnh, thành phải bám sát chỉ đạo trung ương để chỉ đạo, thực hiện biện pháp phòng, chống bão, đồng thời dừng toàn bộ các cuộc hội họp, hoạt động không quan trọng khác từ Thanh Hóa đến Cà Mau để dồn sức phòng chống bão.

Mức độ nguy hiểm của siêu bão

Theo
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng, theo kinh nghiệm từ các nước từng đón siêu bão, thì bão Haiyan sẽ có sức tàn phá thảm khốc, được mô tả như sau:

Người, gia súc và vật nuôi có nguy cơ bị thương hoặc tử vong do mảnh vỡ rơi hoặc bay xuống, ngay cả khi ở trong nhà cấp 4 hoặc nhà khung. Gió bão có thể phá hủy gần như hoàn toàn nhà cấp 4. Một tỷ lệ lớn các nhà khung sắt, khung bê tông sẽ bị phá hủy với toàn bộ mái, tường sụp đổ, thổi bay cửa sổ, cửa ra vào. Các mảnh vỡ bay theo gió bão trong không khí có tốc độ như tên bắn, gây sát thương lớn. Các bức tường gạch không có cốt thép có thể bị sụp, dẫn đến sụp đổ cả tòa nhà.

Ở các tòa nhà cao tầng, gió báo sẽ làm vỡ kính, thổi bay cửa sổ và có thể gây đổ tòa nhà; các tòa nhà công nghiệp, nhà cấp 3, cấp 4 sẽ bị phá hủy với tỷ lệ lớn. Gần như tất cả biển quảng cáo, hàng rào, pano, áp phích sẽ bị phá hủy. Cây cối gãy đổ hoặc bật gốc. cột điện bị đổ, mất điện sẽ kéo dài, cô lập các khu dân cư.