11:14 08/08/2011

“Siêu bão” tài chính đã thành “áp thấp nhiệt đới”?

Hồng Ngọc

Hai tuyên bố trước sau của G7 và ECB đã mang lại hy vọng cho các nhà đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu

Cơn bão tài chính đã dịu bớt.
Cơn bão tài chính đã dịu bớt.
Cam kết hợp tác hành động của các cường quốc công nghiệp thế giới cùng những hy vọng về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu mua trái phiếu thứ cấp đã làm dịu bớt bầu không khí hầm hập trước siêu bão trên thị trường tài chính châu Á sáng nay (8/8).

Đứng trước "cặp song sinh" nợ công Mỹ - châu Âu đang ngày một "hay ăn chóng lớn" và sự đổ sụp của các thị trường chứng khoán suốt tuần giao dịch vừa qua, các nhà lãnh đạo nhóm bảy nước công nghiệp lớn (G7) đã tiến hành một cuộc thương thảo trên điện thoại và tuyên bố "sẵn sàng có hành động bảo đảm tính ổn định và thanh khoản trên các thị trường tài chính".

Từ Tokyo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda cho hay, các nước thành viên G7 đã đồng ý bơm thanh khoản và hành động chống lại tình trạng tiền tệ hỗn loạn nếu cần thiết. Nói một cách khác, các nước công nghiệp phát triển sẽ làm mọi việc cần thiết để ổn định các thị trường tài chính.

Tuyên bố nêu rõ: "Những hành động này, cùng với các nỗ lực kỷ luật tài chính đang được triển khai, sẽ tạo ra sự ổn định tài chính về dài hạn... Chúng tôi hoan nghênh các biện pháp chính sách bổ sung của Italy và Tây Ban Nha nhằm tăng cường nguyên tắc tài chính cũng như thúc đẩy phục hồi hoạt động kinh tế và tạo công ăn việc làm."

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G7 cũng cam kết giải tỏa những căng thẳng bắt nguồn từ các thách thức hiện nay về thâm hụt ngân sách, nợ và tăng trưởng, đồng thời đánh giá cao các hành động cương quyết tại Mỹ và châu Âu.

Tuyên bố của nhóm G7 được đưa ra sau một thông báo đầy ngạc nhiên từ phía Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho hay định chế này sẽ tích cực triển khai chương trình mua trái phiếu của các chính phủ khu vực đồng Euro phát hành trên thị trường thứ cấp, nhằm giảm nhẹ gánh nặng nợ công đang ngày một lấn lướt sang các nền kinh tế khác thuộc lục địa này.

Hai tuyên bố trước sau của G7 và ECB đã mang lại hy vọng cho các nhà đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu, nhất là trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư đang hy vọng tại phiên họp chính sách vào ngày 9/8, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ xem xét đưa ra chương trình nới lỏng định lượng thứ ba nhằm thúc đẩy sự hồi phục ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Shane Oliver, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư thuộc hãng AMP Capital Investors, một trong những hãng quản lý quỹ lớn nhất Australia, nhận xét, những điều này được xem như là các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đang phối hợp hành động. Theo ông, triển vọng của việc ECB mua trái phiếu chính phủ của Italy và Tây Ban Nha là điều đặc biệt đáng chúc mừng.

Tuyên bố của ECB đã ngay lập tức được phản ánh lên thị trường tiền tệ, đồng Euro tăng 1 xu trong giao dịch ở châu Á, lên 1,4350 USD. Các thị trường chứng khoán châu Á tuy rằng vẫn đỏ quạch, nhưng mức giảm đã nhẹ hơn so với khi mở phiên. Chỉ số S&P 500 tương lai giảm 2,5% khi mở phiên, tới nay cũng xuống còn 1,8%. Giá vàng quốc tế sau khi chạm đỉnh 1.699,7 USD cũng đang dao động.

Những động thái hạ nhiệt trên các thị trường hàng hóa có thể coi là điều khá bất ngờ, khi trước đó không lâu, hãng tin AFP dẫn lời nhiều nhà kinh tế cho hay, họ thực sự thấy lo sợ một vòng xoáy đi xuống của thị trường. Theo ông Paul Dales, chuyên gia phân tích tại Capital Economics có trụ sở tại Mỹ, chắc chắn là quyết định của Standard & Poor’s sẽ làm rung chuyển thị trường tài chính trong ngày 8/8.

Tuy nhiên, những diễn biến này có kéo dài hay không và xu hướng các thị trường tài chính thế giới sắp tới thế nào vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Chỉ biết rằng, nhiều quốc gia đã lên tiếng trấn an dư luận trong nước và bày tỏ sự tin tưởng về sức khỏe của nền tài chính Mỹ. Hôm 6/8, Nhật Bản, chủ nợ lớn thứ hai của Mỹ sau Trung Quốc, khẳng định quyết định của Standard & Poor’s không ảnh hưởng tới lòng tin của Chính phủ Nhật vào trái phiếu chính phủ của Mỹ.

Tuyên bố này được Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda tái khẳng định sáng nay, khi nói rằng thị trường xứ sở hoa anh đào hoàn toàn tin tưởng vào đồng bạc xanh cũng như trái phiếu kho bạc Mỹ. Nhật sẽ tiếp tục duy trì nắm giữ một lượng lớn trái phiếu kho bạc Mỹ.

Tán đồng quan điểm của Nhật, ngay hôm 6/8, Pháp cũng bày tỏ "hoàn toàn tin tưởng" vào nền kinh tế Mỹ. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp Francois Baroin khẳng định, Paris tin tưởng tuyệt đối vào sự vững mạnh và các nền tảng của nền kinh tế Mỹ cũng như quyết tâm của Washington thực hiện kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách vừa được thông qua.

Australia và Hàn Quốc cũng đồng loạt lên tiếng cảnh báo sự phản ứng thái quá đối việc mức xếp hạng tín dụng Mỹ bị đánh tụt. Thứ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc Yim Jong-Yong cho rằng, nền kinh tế nước này có khả năng bị ảnh hưởng ngắn hạn, song sự lo lắng quá mức về nền kinh tế Hàn Quốc và các thị trường tài chính vào thời điểm này là không cần thiết.

Thủ tướng Australia Julia Gillard nhấn mạnh, thế giới không nên quá lo ngại khi hai cơ quan xếp hạng có uy tín khác là Moody's và Fitch Ratings vẫn tiếp tục dành mức xếp hạng tín dụng cao nhất cho nền kinh tế Mỹ. Theo bà, quyết định của Standard & Poor’s là nhằm phát đi tín hiệu rằng Washington cần có hành động cụ thể trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách và ổn định tài chính.