17:32 17/09/2021

Singapore đầu tư tỷ USD thúc đẩy thị trường chứng khoán, tham vọng thành "nam châm" hút IPO

Đức Anh

So với Hồng Kông, thị trường IPO của Singapore kém xa về cả số lượng lẫn số vốn huy động từ đầu năm 2021...

Trong nửa đầu năm 2021, Singapore chỉ thu hút được 3 IPO với tổng số vốn huy động được là 200 triệu USD - Ảnh: Straits Times
Trong nửa đầu năm 2021, Singapore chỉ thu hút được 3 IPO với tổng số vốn huy động được là 200 triệu USD - Ảnh: Straits Times

Chính phủ Singapore ngày 17/9 công bố một loạt sáng kiến nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán, trong đó có việc đồng đầu tư vào một quỹ mới có tên Anchor Fund @ 65 để hỗ trợ các doanh nghiệp “có triển vọng tăng trưởng cao”.

Quỹ này do chính phủ và quỹ đầu tư quốc gia Singapore Temasek cùng đầu tư, trị giá 1,5 tỷ Đôla Singapore (1,1 tỷ USD) nhằm giúp các công ty Singapore cũng như trong khu vực huy động vốn thông qua niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán nước này.

“Sự trỗi dậy của các công ty tăng trưởng cao và đổi mới sáng tạo ở Singapore và trong khu vực mang đến cơ hội tạo ra các giải pháp vốn để hỗ trợ họ mở rộng hoạt động", Temasek nói với Bloomberg. "Temasek và mạng lưới đối tác của mình có thể mang đến nguồn vốn xúc tác, đặc biệt là trong các lĩnh vực có định hướng dài hạn mà chúng tôi đã xác định gồm số hóa, cuộc sống bền vững, kéo dài tuổi thọ và tương lai ngành tiêu dùng". 

Ngoài quỹ trên, một sáng kiến đáng chú ý khác quỹ có tên Growth IPO Fund do EDBI - chi nhánh đầu tư của Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore - đầu tư, để rót vốn vào các công ty khởi nghiệp đang hướng tới việc niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore. Trước mắt, quỹ này sẽ được đầu tư 500 triệu đôla Singapore (hơn 371 triệu USD).

Bên cạnh đó, Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) cũng sẽ tăng các khoản hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí niêm yết. Còn Sở giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) sẽ hỗ trợ các công ty tăng trưởng cao huy động đầu tư trong vòng gọi vốn tư nhân trước khi phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Đầu tháng này, SGX đưa ra các quy định mới, trong đó cho phép các công ty mua lại với mục đích đặc biệt (còn gọi là SPAC) được niêm yết trên sàn chứng khoán của nước này. Đây được cho là động thái nhằm hồi sinh thị trường IPO (niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Singapore.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với CNBC đầu tháng này, Tổng giám đốc SGX Loh Boon Chye dự báo sẽ có một làn sóng IPO mạnh mẽ của các SPAC tiềm năng và IPO đầu tiên có thể diễn ra trong vài tuần tới.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong (phải) phát biểu tại sự kiện của SGX vào ngày 17/9 - Ảnh: Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong (phải) phát biểu tại sự kiện của SGX vào ngày 17/9 - Ảnh: Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore

Phát biểu tại một sự kiện của SGX sáng ngày 17/9, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong cho biết chính phủ nước này sẽ nỗ lực để đưa thị trường chứng khoán nước này trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn với các công ty hàng đầu trong khu vực và trên toàn cầu, đặc biệt là những công ty tăng trưởng cao trong lĩnh vực công nghệ. 

“Trong những năm tới, nhiều công ty tăng trưởng cao tại Singapore và châu Á trong lĩnh vực công nghệ sẽ phát triển chín muồi và tìm cách niêm yết trên thị trường đại chúng. Do đó, chúng ta cần nỗ lực thể thu hút những công ty này đến Singapore", ông Gan cho biết. 

Trong thông cáo chung, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, MAS và Temasek cho biết các sáng kiến ​​trên sẽ giúp gia tăng sức hấp dẫn của Singapore như một điểm đến huy động vốn hấp dẫn với các doanh nghiệp trong nước và trong khu vực. 

Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Singapore tăng mạnh hơn nhiều thị trường khác trong khu vực với chỉ số Straits Times Index tăng khoảng 7,8% tính tới ngày 16/9. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng các IPO trên sàn chứng khoán Singapore lại khá khiêm tốn. Trong nửa đầu năm 2021, Singapore chỉ có 3 IPO với tổng số vốn huy động được là 200 triệu USD. Trong khi đó, sàn chứng khoán Hồng Kông – một trung tâm tài chính khác của châu Á – có tới 46 IPO với tổng vốn huy động 27,4 tỷ USD.