Singapore chính thức tiêm mũi 3 trên diện rộng, Thái Lan, Hàn Quốc đang cân nhắc
Với hơn 80% dân số đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine Covid-19, Singapore bắt đầu triển khai tiêm vaccine tăng cường cho người cao tuổi và người bị suy giảm miễn dịch...
Theo Nikkei Asia, Singapore vừa khởi động chương trình tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 3 cho người dân trong bối cảnh số ca nhiễm virus tại quốc gia này tăng mạnh trở lại bất chấp việc đã tiêm đủ 2 mũi cho 80% dân số.
NỖ LỰC KIỂM SOÁT NHỮNG CON SỐ QUAN TRỌNG VỀ COVID-19
Động thái của Singapore đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tại châu Á. Singapore không phải nước đầu tiên tiêm ít nhất 3 mũi vaccine cho người dân, nhưng với việc nước này đang dẫn đầu về tỷ lệ tiêm vaccine tại châu Á, chương trình này sẽ được theo dõi sát sao khi mà một số quốc gia châu Á khác cũng dự kiến bắt đầu tiêm mũi tăng cường vào tháng 10 hoặc sau đó.
Từ ngày 14/9, người trên 60 tuổi và người bị suy giảm miễn dịch tại Singapore có thể đặt lịch hẹn để tiêm mũi thứ 3 nếu đã tiêm mũi thứ 2 ít nhất 6 tháng trước.
"Với những người đủ điều kiện tiêm mũi 3, vui lòng đi tiêm khi nhận được thông báo”, Bộ trưởng Thương mại Gan Kim Yong, người dẫn đầu lực lượng đặc biệt chống Covid-19 của Singapore, cho biết.
Chính phủ Singapore cho biết khoảng 200.000 người cao tuổi sẽ được thông báo qua tin nhắn trước và dự kiến sẽ có khoảng 700.000 người khác được tiêm mũi tăng cưởng trong những tháng tới.
Tháng 12/2020, Singappore là một trong những quốc gia châu Á đầu tiên tiêm vaccine Covid-19, bắt đầu từ nhóm nhân viên y tế. Tháng 1 năm nay, nước này bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 cho người cao tuổi. Chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng với vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna giúp nước này phủ được hơn 80% dân số vào cuối tháng 8.
Tuy nhiên, số ca nhiễm mới tại Singapore đang có xu hướng tăng mạnh. Ngày 13/9, lần đầu tiên trong 13 tháng, nước này ghi nhận 600 ca nhiễm mới.
Dịch bệnh bùng phát mạnh ở Singapore xảy ra trong bối cảnh các nhà chức trách vật lộn để ngăn chặn biến thể Delta với khả năng lây nhiễm mạnh hơn khi người dân đã tiêm vaccine Covid-19 ngày càng ra ngoài nhiều hơn để ăn uống và tham gia các hoạt động xã hội khác. Các nhà chức trách cho biết 98% các ca nhiễm mới trong tháng qua không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt hoặc cần thở oxy lên tới 65 trong ngày 14/9 - gấp đôi so với tuần trước đó.
Chương trình tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường nằm trong nỗ lực kiểm soát các con số quan trọng về Covid-19 - gồm số ca tử vong và số ca bệnh phải chăm sóc đặc biệt - bên cạnh việc xét nghiệm và giãn cách an toàn.
“Nếu kiểm soát tốt số ca tử vong và số ca bệnh phải chăm sóc đặc biệt, dù số ca nhiễm tăng lên, chúng ta sẽ có thể tiếp tục lộ trình mở cửa trở lại tự tin hơn”, ông Gan cho biết.
Về nguồn vaccine, Singapore dự kiến nhận 500.000 liều vaccine Pfizer-BioNTech từ Singapore vào cuối năm nay theo hợp đồng trao đổi mà hai bên đã ký kết. Singapore sẽ nhận vaccine trước và trả lại đúng số lượng vaccine đó cho Australia sau này.
HÀNG LOẠT QUỐC GIA CHÂU Á ĐÃ TIÊM VÀ ĐANG CÂN NHẮC TIÊM MŨI 3
Tuy nhiên, trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liên tục kêu gọi các nước giàu tạm hoãn chương trình tiêm mũi vaccine thứ 3 để đảm bảo có đủ nguồn cung cho các nước nghèo hơn.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuần trước cho biết ông sẽ "không im lặng khi các công ty và quốc gia đang kiểm soát nguồn cung vaccine toàn cầu cho rằng các nước nghèo nên hài lòng với số vaccine còn thừa dành cho họ”.
Theo một nghiên cứu của các chuyên gia về vaccine quốc tế đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet đầu tuần này, phác đồ vaccine hai mũi thông thường vẫn mang lại sự bảo vệ mạnh mẽ chống lại tình trạng bệnh nặng.
“Các bằng chứng hiện tại cho thấy không cần thiết phải tiêm mũi vaccine tăng cường cho đại đa số người dân, bởi hiệu quả chống lại bệnh nặng của 2 mũi vẫn ở mức cao”, các tác giả của công trình, bao gồm 2 quan chức của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) mới từ chức, cho biết.
Tuy nhiên, bất chấp những phản đối, Israel, France và nhiều quốc gia phương Tây khác đã bắt đầu tiêm hoặc đang lên kế hoạch tiêm mũi tăng cường cho người dân với lý do làm vậy mang lại hiệu quả bảo vệ cao.
Tại châu Á, cùng với Singapore, xu hướng này cũng bắt đầu nóng lên. Hồi tháng 7, Indonesia đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho nhân viên y tế, sử dụng vaccine Moderna nhận được qua cơ chế COVAX – sáng kiến toàn cầu giúp các nước thu nhập thấp và trung bình tiếp cận vaccine. Sang tháng 8, chính phủ Indonesia thông báo rằng mũi tiêm thứ ba với vaccine do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc – cũng được tính là mũi tăng cường. Vaccine Sinovac là loại được tiêm phổ biến nhất tại Indonesia. Tính tới ngày 13/9, 53% trong số gần 1,5 triệu nhân viên y tế của nước này đã được tiêm mũi thứ ba.
Campuchia, quốc gia đã tiêm 2 mũi vaccine cho hơn 50% dân số, cũng bắt đầu tiêm mũi thứ 3 từ tháng trước. Còn Thái Lan dự kiến bắt đầu tiêm mũi tăng cường vào tháng 10, chủ yếu cho những người đã tiêm 2 mũi vaccine Sinovac trong khoảng thời gian từ tháng 3-5. Hàn quốc cũng đang cân nhắc tiêm mũi thứ ba bằng vaccine Pfizer hoặc Moderna vào tháng tới với khoảng cách 6 tháng kể từ mũi 2.
Ở Trung Quốc, việc tiêm mũi tăng cường vẫn đang được cân nhắc. Tuy nhiên, các nhà chức trách đã đưa nhóm nhân viên y tế và nhân viên kiểm soát nhập cảnh vào nhóm nguy cơ cao có thể được tiêm mũi tăng cường.
Tại Malaysia, bộ trưởng y tế gần dây cho biết chính phủ đang quan tâm tới việc tiêm mũi tăng cường khi mà hiệu quả miễn dịch giảm dần sau hai mũi tiêm, tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu hiện tại là những người chưa tiêm mũi nào.
Trong khi đó, tại Nhật, người đứng đầu hội đồng chuyên gia về Covid-19 của chính phủ cho rằng người kế nhiệm Thủ tướng Yoshihide Suga nên lập tức cân nhắc việc tiêm mũi tăng cường.
Ấn Độ cũng đang nghiên cứu về vấn đề này nhưng chưa bày tỏ quan điểm rõ ràng. V. K. Paul, cố vấn hàng đầu về Covid-19 cho chính phủ Ấn Độ đầu tháng này nói rằng toàn cầu vẫn còn băn khoăn về việc liệu có cần tiêm mũi vaccine tăng cường không.