Sở giao dịch chứng khoán duy nhất sẽ đặt tại Hà Nội
Phương án được Ủy ban Kinh tế chọn là chỉ có 1 sở giao dịch chứng khoán duy nhất và đặt tại trung tâm tài chính quốc gia
Sở giao dịch chứng khoán duy nhất đặt ở Hà Nội để tiện trong vấn đề quản lý, giám sát và điều hành vĩ mô, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết.
Chiều 12/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Liên quan đến mô hình của sở giao dịch chứng khoán, Uỷ ban Kinh tế nêu hai phương án.
Phương án 1, như Chính phủ trình, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con do Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Thẩm tra dự án luật tại kỳ họp thứ 7, đa số ý kiến cơ quan thẩm tra cho rằng quy định như dự thảo luật về thực chất vẫn duy trì hai công ty con (là Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Tp.HCM) hoạt động cùng một ngành nghề, với chức năng, nhiệm vụ tương tự nhau là không hợp lý và đi ngược với xu thế chung của thế giới.
Phương án được Uỷ ban Kinh tế chọn là chỉ có 1 Sở giao dịch chứng khoán duy nhất và đặt tại trung tâm tài chính quốc gia, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, phương án này bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả của thị trường, minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật.
Theo đó, dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng sửa đổi tên gọi Sở giao dịch chứng khoán thành Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam tại các điều, khoản liên quan và bổ sung quyền, nghĩa vụ theo Quyết định số 32/QĐ-TTg.
Dự thảo Luật cũng quy định rõ Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán; đồng thời bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 43 của dự thảo luật theo hướng: "Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, giải thể, cơ cấu tổ chức, hình thức sở hữu của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam nhưng phải bảo đảm Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của các đơn vị tổ chức thực hiện giao dịch chứng khoán" để bảo đảm giữ vai trò chỉ đạo, chi phối của Nhà nước đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù quan trọng này.
Đồng ý với phương án này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, chỉ tổ chức một sở giao dịch chứng khoán, và phải đặt ở chỗ nào quy mô thị trường sôi động nhất, chứ không nhất định là Thủ đô ở đâu thì đặt Sở Giao dịch chứng khoán ở chỗ đó.
"Đặt ở đâu là do Chính phủ. Theo tôi nên để một Sở giao dịch chứng khoán, chứ không để 2 Sở giao dịch chứng khoán. Thị trường mình cũng còn nhỏ bé, không giống nước nào", Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Sẽ có một sở hai sàn, còn sở này đặt ở đâu thì do Chính phủ quy định, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói.
Ông Dũng cũng báo cáo thêm là Thủ tướng đã phê duyệt đề án và đang hoàn chỉnh quyết định, tức là sở thì đặt ở Hà Nội để tiện trong vấn đề quản lý, giám sát và điều hành vĩ mô cùng với Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính cũng như Chính phủ và trong ứng phó lúc bất bình thường.
"Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM là cổ phần, hiện nay chủ yếu cổ phần của các doanh nghiệp lớn chủ yếu đăng ký và niêm yết tại đây. Hà Nội là trái phiếu Chính phủ và chứng khoán phát sinh. Chúng tôi thấy cũng hoàn toàn phù hợp, hiện nay Bộ cũng đang triển khai công nghệ thông tin chung khớp nối hai sở này", Bộ trưởng Dũng cho biết.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển hỏi thêm quan điểm của Bộ trưởng Dũng về việc Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung vào khoản 2 điều 43 một quy định theo hướng Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, giải thể, cơ cấu tổ chức, hình thức sở hữu của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam nhưng phải bảo đảm Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của đơn vị, tổ chức thực hiện giao dịch chứng khoán.
"Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức, giải thể, chuyển đổi sở hữu là đúng nhưng chúng tôi cho rằng không nên quy định là 51% ở đây, bởi vì còn tùy theo tình hình và tùy điều kiện kinh tế của từng thời kỳ. Như thông lệ quốc tế, nhà nước cũng không nắm cổ phần chi phối, như Nhật Bản thành lập tập đoàn chứng khoán Tokyo sở hữu nhà nước không lớn. Chúng tôi cho rằng không nên quy định cứng là 51% ở đây", Bộ trưởng Dũng hồi âm.
Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển để nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cân nhắc thêm việc bổ sung khoản 2 điều 43.
Như Bộ trưởng nói có nơi có thể không cần thiết nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, nhưng đối với Việt Nam có khi lại phải cần nắm. Thị trường rất quan trọng, nếu nhà nước không nắm có thể dẫn tới hoạt động làm cho thị trường tài chính bất ổn khi chúng ta vốn hoá càng lớn. Đây là điểm cần tư duy, cân nhắc thêm, hôm nay chưa quyết định, ông Hiển nói.