11:57 02/07/2007

Sớm đạt kế hoạch cổ phần hóa ngành dầu khí

Nguyên Linh

Tập đoàn Dầu khí đã hoàn thành cơ bản cổ phần hóa 11 đơn vị thành viên trong kế hoạch Chính phủ phê duyệt

Quá trình đổi mới sắp xếp doanh nghiệp nhà nước trong ngành dầu khí cũng đang tồn tại những khó khăn, vướng mắc.
Quá trình đổi mới sắp xếp doanh nghiệp nhà nước trong ngành dầu khí cũng đang tồn tại những khó khăn, vướng mắc.
Theo báo cáo thực hiện Đề án hình thành Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam theo Quyết định 198/2006/QĐ-TTg, đến nay, ngành dầu khí đã cơ bản hoàn thành kế hoạch sắp xếp đổi mới doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt công tác cổ phần hoá đã sớm đạt kế hoạch.

Hiện Tập đoàn đã hoàn thành cơ bản cổ phần hóa 11 đơn vị thành viên trong kế hoạch Chính phủ phê duyệt, đã bán đấu giá thành công ra thị trường 289.512.288 cổ phần (đạt 94,2% số chào bán), tương đương 2.895 tỷ đồng giá trị mệnh giá, thu về 14.960 tỷ đồng (bình quân gấp 5,2 lần mệnh giá), thặng dư vốn đạt 12.064 tỷ đồng.

Tập đoàn cũng đã cơ cấu lại vốn tại các công ty cổ phần hóa, giảm tỷ lệ nắm giữ của nhà nước tại các công ty cổ phần và thu về 16.345 tỷ đồng để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn (trong đó giá trị vốn gốc là 4.286 tỷ đồng, thặng dư là 12.064 tỷ đồng).

Cụ thể: vốn nhà nước tại 11 doanh nghiệp trước chuyển đổi là 8.896 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ tại 11 công ty đã cổ phần hoá là 7.535 tỷ đồng, trong đó nhà nước chỉ còn nắm giữ 4.611 tỷ đồng mệnh giá tương đương 61,2% vốn điều lệ, 38,8% vốn điều lệ, phần còn lại được bán cho cán bộ công nhân viên, cổ đông chiến lược và các cổ đông bên ngoài.

Trong quá trình đó, đã giải quyết chế độ cho 1.072 người với số tiền 16,3 tỷ đồng, đào tạo lại gần 800 lao động với kinh phí được phê duyệt trong phương án cổ phần hoá là hơn 1 tỷ đồng.

Với nhiệm vụ chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước dưới hình thức khác, ngành cũng đã hoàn thành chuyển đổi 4 doanh nghiệp nhà nước sang hình thức công ty TNHH 1 thành viên, chuyển đổi 3 công ty cổ phần thành tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con.

Thêm vào đó, với mục tiêu trở thành tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước, hoạt động đa ngành, trong đó thăm dò khai thác, chế biến và phân phối dầu khí là ngành kinh doanh chính, Tập đoàn Dầu khí cũng tích cực triển khai và cơ bản hoàn thành việc hình thành các đơn vị thành viên mới của Tập đoàn, đồng thời tích cực tham gia góp vốn vào các công ty liên kết khác theo quy định của pháp luật.

Đến nay, Tập đoàn đã thành lập 2 tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con theo kế hoạch được duyệt, trong đó công ty mẹ do Tập đoàn đầu tư 100% vốn điều lệ. Hai tổng công ty còn lại đang xây dựng đề án thành lập Tổng công ty Khí trình Thủ tướng Chính phủ, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 3 năm 2007. Tổng công ty Lọc hoá dầu sẽ được thành lập khi có đủ điều kiện.

Đồng thời, đã thành lập 3 công ty con do Tập đoàn đầu tư 100% vốn: Công ty TNHH Một thành viên Cung ứng và Xuất khẩu lao động dầu khí, Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Dầu khí Cà Mau, Công ty TNHH Một thành viên Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 1; thành lập 7 công ty cổ phần mới là Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí, Công ty Cổ phần Kinh doanh bất động sản dầu khí, Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Tản viên, Công ty Cổ phần Sao Mai-Bến Đình, Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Công đoàn, Công ty Cổ phần Thủy điện Dakdrinh, Công ty Cổ phần Truyền thông Vietnam Today.

Cũng theo báo cáo, Tập đoàn đã tiếp nhận 2 công ty thành viên mới: Công ty Du lịch Phương Đông và Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư số 1 Nghệ An, tham gia đầu tư vốn vào 5 công ty liên kết khác, chấp thuận để các đơn vị thành viên thành lập 3 công ty con và hoàn thành việc thành lập Viện Dầu khí Việt Nam thống nhất, trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị nghiên cứu khoa học và dầu khí.

Viện Dầu khí Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP. Trước mắt, Viện sẽ hoạt động theo hình thức tổ chức khoa học công nghệ tự trang trải chi phí, dự kiến chuyển sang hình thức doanh nghiệp khoa học khi đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ.

Theo đánh giá chung, sau khi sắp xếp, chuyển đổi, các đơn vị thành viên của Tập đoàn đều hoạt động kinh doanh hiệu quả. Doanh thu trung bình tăng 50%, lợi nhuận trung bình tăng khoảng gần 100% so với trước.

Điển hình là Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí, trong năm 2006, doanh thu đạt 167% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế đạt 242% kế hoạch năm, nộp ngân sách nhà nước đạt 238% kế hoạch năm; Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí trước cổ phần hoá hoạt động rất khó khăn nhưng sau cổ phần hoá doanh thu tăng 128%, nộp ngân sách tăng 200% so với thời điểm chuyển sang công ty cổ phần.

Nhiều dự án lớn dự kiến sẽ được triển khai trong thời gian tới như đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng, liên doanh xây dựng nhà máy sản xuất ethanol với Nhật Bản của Petrosetco, đầu tư thêm giàn khoan biển của PVDrilling...

Tuy nhiên, quá trình đổi mới sắp xếp doanh nghiệp nhà nước trong ngành dầu khí cũng đang tồn tại những khó khăn, vướng mắc. Đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, tư vấn thiết kế, khi tiến hành cổ phần hóa, Tập đoàn đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý tài chính đặc biệt là các tồn đọng trong xây dựng cơ bản.

Một số vấn đề tài chính vẫn chưa xử lý được dứt điểm gây khó khăn cho công tác cổ phần hóa cũng như hoạt động của công ty cổ phần, đặc biệt trong việc quyết toán cổ phần hóa.

Tiếp theo, do sự quá tải của cơ quan quản lý thuế, nên việc quyết toán thuế của các đơn vị cổ phần hóa thường bị kéo dài, ảnh hưởng đến việc quyết toán cổ phần hóa. Cùng với yếu tố nêu tại điểm trên, đây cũng là một cản trở làm chậm tiến độ niêm yết trên thị trường chứng khoán của các đơn vị cổ phần hóa.

Các đơn vị cổ phần hóa của Tập đoàn là các đơn vị có quy mô lớn, tài sản trải dài từ Bắc vào Nam và mang tính chuyên ngành. Theo cơ chế và chi phí xác định giá trị doanh nghiệp quy định hiện hành thì rất khó trong việc đánh giá chính xác và đảm bảo tiến độ của việc xác định giá trị doanh nghiệp.

Trong quá trình cổ phần hóa lĩnh vực dầu khí cũng rút ra những vấn đề chính sách trong việc cán bộ công nhân viên được mua cổ phần ưu đãi. Đó là tỷ lệ cổ phần được mua ưu đãi theo quy định quá ít nên người lao động không phát huy được quyền làm chủ của mình, đặc biệt là đối với những công ty có quy mô lớn như các đơn vị trong ngành dầu khí.