01:16 03/03/2011

Sóng ngầm lãi suất USD

Minh Đức

Từng bước và khá chậm, không ồn ào ở bề nổi, nhưng cạnh tranh lãi suất huy động USD giữa các ngân hàng đang quyết liệt hơn

Khoảng cách lãi suất huy động USD giữa các ngân hàng lớn - nhỏ đã thu hẹp rõ rệt trong những ngày qua.
Khoảng cách lãi suất huy động USD giữa các ngân hàng lớn - nhỏ đã thu hẹp rõ rệt trong những ngày qua.
Từng bước và khá chậm, nhưng cạnh tranh lãi suất huy động USD giữa các ngân hàng thương mại đang quyết liệt hơn, không ồn ào ở bề nổi như thời điểm trước Tết.

Trong câu chuyện cà phê ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, một nhân viên ngân hàng thương mại kể: “Bọn em vừa có “chỉ đạo” hạ lãi suất huy động USD rồi anh ạ. Nghe nói một số ngân hàng khác cũng vậy. Khó mà nổi trội ở thời điểm này”.

Quả thực, tra cứu ngay website của ngân hàng đó, lãi suất huy động USD đã rút về quanh 5,5%/năm. Ở một thành viên khác, việc cập nhật bị gián đoạn, nhưng tìm hiểu qua đường dây nóng, giải đáp là lãi suất cao nhất cũng đã rút về 5,5%/năm… Mốc trên 6%/năm ở một số ngân hàng này vừa tăng cỡ một vài tuần trước đó nhanh chóng bị điều chỉnh.

Các “ông lớn” đã nhập cuộc

Sự điều chỉnh âm thầm đó khiến cạnh tranh lãi suất huy động USD có thêm những áp lực mới. Hiện một số thành viên như Ngân hàng Kiên Long (Kienlong Bank), Ngân hàng Nam Việt (Navibank), Ngân hàng Gia Định (Giadinhbank), Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PG Bank)… vẫn có mức cao xoay quanh 6%, nhưng vùng 6,2% - 6,35% đã không còn. Trong khi đó, các ông lớn đã vào cuộc mạnh.

Hôm qua (2/3), Ngân hàng Á châu (ACB) công bố biểu lãi suất mới, trong đó lãi suất huy động USD có một bước tăng khá mạnh. So với biểu áp dụng từ ngày 16/2/2011, biểu mới của ACB tăng khoảng 0,5% tùy kỳ hạn. Theo đó, mức cao nhất trên dưới 5%/năm duy trì từ cuối năm 2010 của ngân hàng này đã lên 5,58%/năm.

Quyết định tăng của ACB là không bất ngờ. Dĩ nhiên là xuất phát từ yêu cầu hoạt động nội tại, nhưng cũng có thể “đồ” là một phần từ sức ép cạnh tranh. Bởi những “ông lớn” khác cũng đã lần lượt nhập cuộc trước đó.

Trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, thị trường đón nhận biểu lãi suất huy động USD mới của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), mức cao nhất 5%/năm đã được đôn lên 5,5%/năm. Nhìn sang Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), cao hơn là 5,6%/năm. Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã là 5,55%/năm. Và lần điều chỉnh ngày 23/2 vừa qua, mức cao nhất tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đã 5,6%/năm.

Lãnh đạo một ngân hàng lớn giải thích rằng, thực ra lãi suất của họ hiện chỉ ở mức bình quân trên thị trường hiện nay, chứ không phải là nổi trội. Theo đó, việc điều chỉnh cũng là bình thường.

Thế nhưng, khi nhóm nói trên rút về, các “ông lớn” đôn lên, khoảng cách đã bị thu hẹp rõ rệt. Nếu xét theo quy mô hoạt động, thương hiệu, mạng lưới, thị phần…, áp lực cạnh tranh ở đây đã lớn hơn.

Hai mặt của lãi suất

Cầu tín dụng tăng, lãi suất huy động tăng. Đó là cách giải thích thường thấy ở các ngân hàng thương mại.

Thực tế, dữ liệu cập nhật đều đặn từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tiếp tục có xu hướng mạnh qua hai tháng đầu năm 2011. Số liệu thống kê sơ bộ đến ngày 25/2, tăng trưởng tín dụng đã đạt 3,27% so với cuối năm 2010; trong đó, tăng trưởng tín dụng bằng VND là 0,9%, tín dụng ngoại tệ là 11%. Trong con số 11% này có hư số tăng tỷ giá ngày 11/2 vừa qua (khoảng 7,18%), nhưng vẫn là một mức cao.

Tuy nhiên, tín dụng ngoại tệ tăng trưởng mạnh không hẳn là hoàn toàn tiêu cực. Không rõ tỷ trọng nguồn ngoại tệ vay trong hai tháng đầu năm được bán lại cho các ngân hàng là bao nhiêu, nhưng chắc chắn đã góp một phần cung ngoại tệ thương mại cho thị trường, góp phần tránh cho tỷ giá biến động phức tạp hơn. Phần này có đóng góp của các doanh nghiệp xuất khẩu, nguồn thu ngoại tệ trong tương lai để trả nợ sẽ hạn chế yếu tố cung ảo.

Ở khía cạnh này, tăng lãi suất huy động để gọi vốn đáp ứng cho vay cũng không hẳn là tiêu cực. Tại buổi họp báo ngày 1/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng đề cập đến việc tiếp tục xem xét cho kênh tín dụng có thể tái tạo được ngoại tệ nói trên, trong khi chuyển dần quan hệ tín dụng không tái tạo được ngoại tệ sang giao dịch mua - bán.

Ở một điểm khác, nếu trong bối cảnh lạm phát được kiềm chế, tín dụng ngoại tệ tăng trưởng mạnh sẽ giúp giảm áp lực cầu vốn VND, qua đó tạo thêm điều kiện để hạ lãi suất VND.

Nhưng, lo ngại vẫn đặt ra nếu lãi suất huy động USD tiếp tục tăng. Các mức từ 5,5% - 6%/năm hiện nay được cho là cao, nếu tiếp tục tăng càng củng cố tâm lý găm giữ ngoại tệ trong dân cư. Điều này bất lợi cho tỷ giá USD/VND. Và không phải ngẫu nhiên khi cuối năm 2010, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đưa ra đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên áp trần lãi suất huy động USD tối đa 1%/năm cho cả đối tượng cá nhân, nhằm làm tan băng tình trạng găm giữ đó. Dĩ nhiên, đề xuất này lại là một vấn đề khác.