S&P 500 lên ngưỡng gần kỷ lục nhờ tin thương mại, lãi suất
Dow Jones tăng phiên thứ 7 liên tiếp, chuỗi phiên tăng dài nhất của chỉ số kể từ tháng 5
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, với chỉ số S&P 500 tiến sát mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại, nhờ những diễn biến tích cực của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và lời hứa của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về tiếp tục kích cầu nền kinh tế.
Cổ phiếu công nghệ là nhóm giữ vai trò chủ đạo dẫn dắt S&P 500 và Nasdaq đi lên phiên này, trong khi cổ phiếu tài chính là cú huých lớn nhất của Dow Jones, giúp chỉ số có phiên tăng thứ bảy liên tiếp. Đây là chuỗi phiên tăng dài nhất của Dow Jones kể từ tháng 5, hãng tin Reuters cho hay.
Không chỉ Phố Wall mà chứng khoán toàn cầu đồng loạt tăng điểm trong phiên ngày thứ Năm, sau khi Trung Quốc và Mỹ có những động thái nhượng bộ lẫn nhau trước thềm vòng đàm phán thương mại dự kiến diễn ra vào tuần tới ở Washington nhằm đi tới một giải pháp cho cuộc chiến thương mại đe dọa thị trường tài chính và triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới trong hơn một năm qua.
Tổng thống Donald Trump ngày 11/9 tuyên bố hoãn hai tuần kế hoạch áp thêm thuế quan 5% lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, sau khi Trung Quốc cùng ngày tuyên bố miễn thuế quan trừng phạt trong vòng một năm đối với nhiều mặt hàng Mỹ. Tiếp đó, ngày 12/9, Trung Quốc hứa tăng mua nông sản Mỹ.
"Một điều tốt là Mỹ và Trung Quốc đang tiếp tục thương lượng và có vẻ như bớt căng thẳng hơn", ông Stephen Massocca, Phó chủ tịch Wedbush Securities, nhận xét. "Những nhượng bộ mà hai bên đưa ra chưa có gì là thực chất, nhưng tinh thần trong sự nhượng bộ đó là thứ mà thị trường xem là quan trọng hơn".
Vào đầu phiên, niềm tin của nhà đầu tư được hỗ trợ bởi kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Không chỉ hạ lãi suất cơ bản 0,1 điểm phần trăm xuống mức thấp kỷ lục âm 0,5%, ECB còn khởi động chương trình nới lỏng định lượng (QE) bơm vào nền kinh tế mỗi tháng 20 tỷ Euro, tương đương gần 22 tỷ USD, thông qua việc mua tài sản.
Ông David Carer, Giám đốc đầu tư của Lenox Wealth Advisors, bày tỏ sự hoài nghi về lợi ích thực sự của các biện pháp kích cầu mà ECB vừa công bố. "Ở giai đoạn này của chu kỳ kinh tế, chúng tôi không chắc liệu việc ECB hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục nới lỏng sẽ có ý nghĩa thực sự và căn bản nào không, bởi lãi suất đã ở mức rất thấp trong thời gian rất dài rồi", ông Carter nói.
Cuộc họp FED sẽ diễn ra vào tuần tới, và FED được dự báo sẽ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm để ngăn đà giảm tốc của kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, các số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày thứ Năm không hề tệ. Giá tiêu dùng lõi trong tháng 8 tăng 2,4%, vượt xa mục tiêu 2% của FED. Ngoài ra, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu bất ngờ giảm trong tuần trước.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,17%, đạt 27.182,45 điểm. S&P 500 tăng 0,29%, đạt 3.009,57 điểm. Nasdaq tăng 0,3%, đạt 8.194,47 điểm.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, chỉ có hai nhóm năng lượng và y tế chốt phiên trong sắc đỏ. Vật tư và bất động sản là hai nhóm tăng mạnh nhất.
Hai cổ phiếu công nghiệp lớn là Deere và Caterpillar tăng tương ứng 1,1% và 1%. Cổ phiếu Alphabet, công ty mẹ của công cụ tìm kiếm Google, tăng 1,2% sau khi Google đạt thỏa thuận chi 1,1 tỷ USD để nhà chức trách Pháp dừng một cuộc điều tra về gian lận tài chính.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá phiên này nhiều gấp 1,24 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,19 lần.
Có tổng cộng 7,51 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall, so với mức bình quân 6,79 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.