Tài chính cho người thu nhập thấp: Đại dương xanh cho Fintech?
Sự bất cân xứng về mức độ tiếp cận tài chính giữa các tầng lớp lao động đã mở ra một “đại dương xanh" để doanh nghiệp Fintech khám phá...
Đại dịch Covid-19 kéo dài đã đẩy hàng chục triệu gia đình Việt Nam vào hoàn cảnh khó khăn. Theo Tổng cục thống kê, thu nhập bình quân tháng của lao động năm 2020 giảm 8.6% so với năm 2019. Số liệu quý 3/2021 cũng giảm 10.4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguy cơ như nhau, nhưng không phải đối tượng lao động nào cũng bình đẳng trước các cơ hội tiếp cận tài chính.
Thị trường 75 triệu dân bị bỏ quên
Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company năm 2018 đưa ra một con số đáng báo động. Khoảng 75 triệu người lao động Việt Nam không có hoặc ít có cơ hội tiếp cận với những dịch vụ tài chính ngân hàng chính thống.
Anh N.H.T. (30 tuổi), một công nhân nhà xưởng sống ở ngoại thành Hà Nội, chia sẻ: “Mỗi lần con ốm, xe hỏng, cưới xin, giỗ chạp là một lần cả hai vợ chồng phải chạy đôn đáo khắp nơi. Ngân hàng thì thủ tục phức tạp. Họ hàng, bạn bè đều không dư dả, thu nhập cũng bị giảm ít nhiều do dịch. Chúng tôi đành chấp nhận vay “nóng" lãi cao.”
Đứng trước các khoản chi đột xuất, một nhân viên văn phòng lương tháng khoảng 15-20 triệu có thể dễ dàng thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc vay ngân hàng. Ngược lại, với những người lao động phổ thông như anh T., các dịch vụ tài chính chính thống chỉ là những cánh cửa mở hờ.
Để vay ngân hàng, người dân phải có tài sản đảm bảo hoặc chứng minh được thu nhập. Các điều khoản ràng buộc chặt chẽ và quy trình phức tạp dễ gây tâm lý ngại ngần cho lao động phổ thông.Tín dụng đen trở thành “giải pháp” cứu cánh nhờ thủ tục giải ngân nhanh chóng, không cần tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, lãi suất lên đến 300-500%/năm có thể khiến nhiều người mất khả năng chi trả, rơi vào bẫy nợ, dẫn đến nhiều hệ luỵ cho xã hội và nền kinh tế.
Cơ hội cho Fintech
Sự bất cân xứng về mức độ tiếp cận tài chính giữa các tầng lớp lao động đã mở ra một “đại dương xanh" để doanh nghiệp Fintech khám phá.
Ra mắt thị trường từ đầu năm 2021, nền tảng chi và nhận lương linh hoạt GIMO cho phép người lao động chủ động nhận lương khi cần để thanh toán các khoản chi phí bất thường. Đối tượng chính mà doanh nghiệp này hướng đến là tầng lớp lao động phổ thông, thu nhập thấp, không thể hoặc ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ tài chính hợp pháp.
Không rủi ro lãi suất, phí phạt, không cần giấy tờ đảm bảo, người lao động chỉ mất vài giây để nhận lương sớm thông qua ứng dụng di động. Nhờ những lợi ích nổi bật này, GIMO đã phục vụ hơn 25,000 lao động trên khắp cả nước, chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất và bán lẻ.
Ông Nguyễn Anh Quân - Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành của GIMO, ước tính quy mô thị trường mà doanh nghiệp này có khả năng tiếp cận là 25-26 triệu người thu nhập thấp của Việt Nam.
Kỳ vọng về một nền tài chính toàn diện cho Việt Nam
Mô hình chi và nhận lương linh hoạt được kỳ vọng sẽ mở rộng cơ hội tiếp cận tài chính đến các tầng lớp dân cư, từ đó thúc đẩy tài chính toàn diện cho Việt Nam.
“Khi người lao động được tiếp cận với nguồn tài chính hợp pháp, an toàn, linh hoạt và chi phí thấp, chắc chắn tình trạng bẫy nợ, tín dụng đen sẽ được đẩy lùi”, ông Quân khẳng định.
Về lâu dài, công ty dự kiến phát triển một nền tảng tài chính số giúp người lao động quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, không chỉ nhận lương linh hoạt mà còn có thể chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Để có thể nhân rộng và đẩy mạnh giải pháp này tại Việt Nam, ông Quân cho rằng cần có sự phối hợp của Chính phủ, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp, chẳng hạn như hoàn thiện các hành lang pháp lý, nâng cao hiểu biết về tài chính cho người lao động, hay số hoá các hệ thống chấm công, tính lương và quản lý nhân sự.
“Hiện nay, các doanh nghiệp đang rất cởi mở trong việc chuyển đổi số và phát triển các chế độ phúc lợi để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Chính phủ cũng đang có nhiều chính sách thiết thực để tăng cường phổ cập dịch vụ tài chính. Đây chính là những điều kiện thuận lợi để mô hình này phát triển và nở rộ trong thời gian tới", ông nói.
Theo Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đảm bảo mọi cá nhân và doanh nghiệp đều được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính hữu ích, có chi phi phí phải chăng và phù hợp với nhu cầu của họ; đồng thời được cung cấp những giải pháp đó một cách trách nhiệm và bền vững. Trong đó, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.