Tài sản bị đóng băng của Nga sinh lãi hơn 4 tỷ euro trong 1 năm
Số tiền lãi phát sinh từ tài sản Nga bị đóng băng tại Euroclear đã tăng gấp hơn 4 lần trong năm 2023 so với mức 821 triệu euro trong năm 2022...
Năm 2024, trung tâm thanh toán và lưu ký Euroclear đặt ở Bỉ đã thu về 4,4 tỷ euro lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) do lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Moscow liên quan tới cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh EU thúc đẩy nỗ lực nhằm sử dụng số lợi nhuận này cho việc hỗ trợ tái thiết Ukraine.
Tờ Financial Times dẫn số liệu từ Euroclear cho biết số tiền lãi phát sinh từ tài sản Nga bị đóng băng tại trung tâm này đã tăng gấp hơn 4 lần trong năm 2023 so với mức 821 triệu euro trong năm 2022. Nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng lợi nhuận này là lãi suất tăng lên.
Tổng lợi nhuận ròng từ tiền lãi của Euroclear trong năm 2023 đạt 5,5 tỷ euro, so với mức 1,7 tỷ euro trong năm 2022. Trong đó, tiền lãi từ tài sản Nga đóng góp phần đa số.
Châu Âu hiện đang giữ 191 tỷ euro dự trữ ngoại hối của Nga, phần lớn trong tổng số 260 tỷ euro tài sản Nga bị đóng băng do các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh tay mà phương Tây triển khai sau khi chiến tranh nổ ra giữa Nga và Ukraine vào tháng 2/2022. Từ đó, Euroclear đã tích luỹ được một lượng lớn thu nhập bất thường do các biện pháp trừng phát nói trên, vì trung tâm này chưa thể hoàn trả số dư tiền mặt cho phía Nga và các khách hàng bị trừng phạt khác.
Giới chức châu Âu đã và đang xem xét các biện pháp nhằm sử dụng số lợi nhuận bị mắc kẹt đó để tái đầu tư, nhằm có ngân sách hỗ trợ Ukraine. Hôm thứ Hai tuần này, các nước thành viên EU đã nhất trí phê chuẩn các quy định mới, mở đường cho một hướng đi như vậy. Theo đó, Euroclear sẽ phải cất riêng số lợi nhuận thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga - việc mà hiện trung tâm này đã thực hiện.
Tuy nhiên, quy định mới này không áp dụng đối với khoản lợi nhuận của năm 2023 và chỉ áp dụng đối với những khoản lợi nhuận phát sinh sau khi quy định mới có hiệu lực sau vài tuần nữa. Điều này có nghĩa là khoản lợi nhuận 4,4 tỷ euro phát sinh trong năm 2023 từ tài sản đóng băng của Nga có thể sẽ không được sử dụng để hỗ trợ Ukraine.
Chính phủ Bỉ cho biết Euroclear đã nộp 1,08 tỷ euro thuế doanh nghiệp cho nhà chức trách nước này trong năm 2023, và số tiền đó sẽ được dành để hỗ trợ Ukraine. Uỷ ban châu Âu (EC) cũng đang chuẩn bị một dự luật khác để tịch thu lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng của Nga và chuyển số tiền đó vào một quỹ dành cho Ukraine.
Cuộc thảo luận về việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga, và lợi nhuận phát sinh từ số tài sản này mà Euroclear đang nắm giữ, đang gặp trở ngại vì những khó khăn về mặt kỹ thuật và pháp lý. “Trọng tâm của Euroclear là giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn về pháp lý và về mặt vận hành có thể phát sinh đối với chính trung tâm và đối với khác hàng của trung tâm từ việc thực thi bất kỳ đề xuất nào của EC”, báo cáo của Euroclear có đoạn viết.
Chính phủ Đức cho rằng việc tịch thu lợi nhuận phát sinh từ tài sản bị đóng băng của Nga ở Euroclear là một hướng đi đúng đắn, nhưng việc tịch thu số tài sản gốc có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng đối với đồng euro.
Về phần mình, Mỹ muốn tịch thu toàn bộ tài sản của Nga ở nước ngoài, thay vì chỉ phần lợi nhuận phát sinh ở Euroclear. Một số thành viên nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) đã tỏ ra hoài nghi về lập trường cứng rắn này của Mỹ.
Những nước như Đức và Pháp, và cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính, lo ngại rằng một động thái như vậy sẽ dẫn tới việc các ngân hàng trung ương khác bán tháo tài sản euro.
Euroclear nói rằng trung tâm này đang đối mặt với “nhiều quy trình luật pháp, phần lớn tại các toà án Nga” về vấn đề tài sản bị đóng băng của Nga, và cho biết thêm khả năng Euroclear phải hứng chịu các phán quyết bất lợi là cao.