20:25 29/01/2024

Đường ống khí đốt khổng lồ Nga-Trung Quốc có nguy cơ bị hoãn vì bất đồng giá cả

Bình Minh

Đây được xem là một trở ngại đối với kế hoạch của Moscow nhằm mở ra một thị trường mới để bán nguồn khí đốt mà Nga vốn dĩ vẫn bán cho châu Âu...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Dự án xây dựng một đường ống dẫn khí đốt khổng lồ nối giữa các mỏ khí đốt ở phía Tây của Nga với Trung Quốc có thể sẽ bị trì hoãn - Thủ tướng Mông Cổ cảnh báo. Đây được xem là một trở ngại đối với kế hoạch của Moscow nhằm mở ra một thị trường mới để bán nguồn khí đốt mà Nga vốn dĩ vẫn bán cho châu Âu.

Theo tờ báo Financial Times, đường ống Power of Siberia 2 - dự kiến đi qua lãnh thổ Mông Cổ - là một ưu tiên của Nga trong hơn 1 thập kỷ qua, càng quan trọng hơn đối với Nga kể từ khi nước này siết cung cấp khí đốt cho châu Âu và châu Âu cũng quyết tâm cai khí đốt Nga trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine.

Trong một cuộc trao đổi với Financial Times, Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrain Oyun-Erdene cho biết ông kỳ vọng đường ống dài 3.550 km này, bao gồm 950 km đi qua lãnh thổ Mông Cổ, sẽ khởi công trong năm 2024. Nhưng khi được hỏi liệu các đối tác có hành động theo đúng kế hoạch như vậy hay không, ông Oyun-Erdene nói Nga và Trung Quốc vẫn chưa nhất trí về các chi tiết quan trọng của dự án hạ tầng khổng lồ này.

“Hai bên đó vẫn cần có thể thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng về phương diện kinh tế của dự án. Họ còn đang tính toán về lợi ích kinh tế mà dự án có thể mang lại”, nhà lãnh đạo nói, và nhấn mạnh rằng việc giá khí đốt toàn cầu tăng mạnh, có lúc lập kỷ lục, trong hai năm qua đã khiến cho cuộc đàm phán trở nên khó khăn hơn.

Trong một bài viết đăng trên tờ báo Chính sách Năng lượng của Nga hôm thứ Năm tuần trước, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết thời điểm khởi công dự án sẽ được ấn định sau khi Nga ký thoả thuận ràng buộc với đối tác Trung Quốc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau ít nhất 2 lần trong năm ngoái, nhưng trong khi phía Nga luôn nhấn mạnh đã sẵn sàng khởi động dự án Power of Siberia 2, phía Trung Quốc vẫn giữ im lặng về vấn đề này.

Trung Quốc hiện đã tiếp nhận dòng khí đốt chảy từ phía Đông của Nga qua đường ống Power of Siberia thứ nhất đi vào vận hành năm 2019. Đường ống này vận chuyển 23 tỷ mét khối khí đốt trong năm ngoái và dự kiến đạt công suất tối đa 38 tỷ mét khối vào năm 2025.

Theo dự kiến, đường ống Power of Siberia 2 sẽ vận chuyển thêm 50 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm tới Trung Quốc từ các mỏ khí trên bán đảo Yamal ở phía Tây Siberia - “vựa” khí đốt vốn trước đây phục vụ thị trường châu Âu. Tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga đã bắt đầu nghiên cứu khả thi dự án đường ống này vào năm 2020 và muốn đường ống đi vào hoạt động muộn nhất vào năm 2030.

Nga hy vọng Trung Quốc có thể thay thế châu Âu trở thành thị trường xuất khẩu khí đốt lớn nhất cho Nga. Trước đây, châu Âu nhập khẩu hơn 150 tỷ mét khối khí đốt Nga mỗi năm, nhưng dòng chảy này đã giảm chỉ còn một lượng nhỏ kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra.

Đường ống khí đốt khổng lồ Nga-Trung Quốc có nguy cơ bị hoãn vì bất đồng giá cả - Ảnh 1

Ông Sergey Vakulenko, cựu Giám đốc chiến lược của công ty Gazprom Neft và hiện là một chuyên gia cấp cao của tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, nói rằng Nga có thể đang tìm kiếm các điều khoản tài chính tốt hơn từ phía Trung Quốc so với những gì mà nước này có được trong hợp đồng Power of Siberia 1 - thoả thuận ký vào năm 2018 khi giá khí đốt còn thấp hơn nhiều.

Dù nội dung cụ thể của thoả thuận Power of Siberia 1 không được công bố, ông Vakulenko đã tiến hành dữ liệu thanh toán của Chính phủ Trung Quốc và nhận thấy Nga được Trung Quốc trả giá mua khí đốt thấp hơn nhiều so với Turkmenistan và Uzbekistan - hai quốc gia khác cũng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc.

“Một bên là Trung Quốc chắc chắn là muốn mua khí đốt của Nga. Và một bên là Nga đang thừa nhiều khí đốt và muốn nhận được mức giá tốt hơn. Tôi nghĩ câu chuyện bây giờ đang là một cuộc mặc cả khó khăn”, ông Vakulenko nói.

Nhà phân tích cấp cao Wei Xiong của công ty phân tích Rystad Energy ở Bắc Kinh nói rằng các nguồn tin trong lĩnh vực khí đốt ở Trung Quốc vẫn cho rằng dự án Power of Siberia 2 sẽ đi vào hoạt động vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu khí đốt ngày càng lớn của nước này.

“Dù giá khí đốt vận chuyển qua đường ống đã tăng trong 2 năm qua, nhưng vẫn còn rẻ hơn nhiều so với giá khí đốt hoá lỏng (LNG) nhập khẩu”, bà Wei nói, đề cập đến LNG vận chuyển bằng tàu biển tới Trung Quốc từ những nguồn như Australia hay Qatar. “Trong dài hạn, Trung Quốc cần cả hai loại khí đốt này để đa dạng hoá nguồn cung. Đó là một việc rất quan trọng”.