Tăng trưởng lạc quan nhưng cần thận trọng
Dù tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn thuộc nhóm tăng trưởng cao, nhưng trong năm 2020 có xu hướng giảm nhẹ so với năm 2019
Mới đây, trong ấn bản bổ sung của báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2019 (ADOU 2019), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ mức 6,8% lên 6,9% cho năm 2019, và từ 6,7% lên 6,8% cho năm 2020.
Điều đáng nói, trong khi ADB tăng dự báo về triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam thì lại hạ dự báo tăng trưởng khu vực. Theo đó, tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á sẽ đạt 5,2% trong cả năm 2019 và 2020, giảm so với dự báo tăng trưởng đưa ra hồi tháng 9 là 5,4% cho năm 2019 và 5,5% cho năm 2020.
Theo ADB, việc điều chỉnh tăng dự báo GDP của Việt Nam cho năm tới xuất phát từ những tín hiệu tích cực trong nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể là, tăng trưởng GDP trong 3 quý đầu năm 2019 của Việt Nam đạt 7%, mức cao nhất so với cùng kỳ trong 9 năm qua. Tiêu dùng cá nhân đã tăng 7,3%, trong khi đầu tư tăng 7,7% nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư được duy trì và sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài.
"Với xung lực tăng trưởng mạnh mẽ ngoài dự kiến trong quý 3, xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong quý 4 và sang năm sau", ADB dự báo.
Điều đáng nói, không chỉ ADB, nhiều tổ chức quốc tế cũng tỏ ra khá lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020. Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Nam Á vừa được Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) công bố mới đây cho thấy, tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng cao hơn đáng kể so với mức tăng chung của khu vực, khi đạt 7% trong năm 2019 và 6,6% trong năm 2020.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay là 6,6% và giảm còn 6,5% trong năm tới và Việt Nam vẫn là nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng trong khu vực.
Tuy nhiên, có một điểm dễ nhận thấy, dù tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia tăng trưởng cao, nhưng tăng trưởng GDP trong năm 2020 có xu hướng giảm nhẹ so với năm 2019.
Lý giải xu thế giảm tăng trưởng nói chung, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, kinh tế Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức khi cả động lực, tiềm năng và chất lượng tăng trưởng đều đang có vấn đề, trong khi sự chuẩn bị trong nước dường như chưa tương xứng với tiềm năng của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới.
"Xuất khẩu tới đây sẽ không còn dễ dàng khi xuất khẩu vào thị trường truyền thống đều sụt giảm, rủi ro bị Hoa Kỳ gia tăng trừng phạt vẫn còn và xuất khẩu vào các thị trường CPTPP chưa có nhiều kỳ vọng. Do đó, tăng trưởng của Việt Nam sẽ sụt giảm", ông Dương phân tích.
Cùng quan điểm, ông Đặng Đức Anh, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cũng cho rằng, nhìn chung mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét. Thể hiện ở việc tăng trưởng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào vốn (tỷ lệ vốn đầu tư/GDP vẫn ở mức cao, trung bình 33,5%), đóng góp của nhân tố vốn trong tăng trưởng vẫn chiếm tỷ lệ lớn (trên 55%).
Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch quá nhanh sang khu vực dịch vụ, trong khi nền tảng công nghiệp còn yếu. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao đóng góp còn thấp, chi phí dịch vụ logistic còn cao. Đặc biệt, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào nhóm hàng do doanh nghiệp FDI dẫn dắt.
Kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng hàm lượng nội địa trong xuất khẩu không tăng tương ứng. Các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năng lực đổi mới sáng tạo chưa được cải thiện nhiều và vẫn là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế của Việt Nam khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới...
Vì vậy, để thúc đẩy tăng trưởng, chuyên gia của NCIF cho rằng Việt Nam phải nhanh chóng "giải toả" những điểm nghẽn này để thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn và vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Ở góc độ quốc tế, WB cũng thừa nhận trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung còn nhiều bất định dù có nhiều tín hiệu tích cực, tăng trưởng của Việt Nam cần phải có đối sách phù hợp bởi độ mở của nền kinh tế hiện rất lớn. Hơn nữa, nội tại nền kinh tế vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là việc chuẩn bị vùng đệm tài khoá và tiền tệ cho việc ứng phó với những bất ổn tài chính – tiền tệ.
"Vì vậy, dù nhận định tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn khá lạc quan, song Việt Nam vẫn cần cẩn trọng với việc thiết kế các chính sách vĩ mô, tiền tệ và tài khoá", WB nhận định.