22:11 09/11/2009

“Tập đoàn phải đa ngành mới phát triển được”

Liên Minh

Hai vị bộ trưởng cùng hơn 30 đại biểu tranh luận về hiệu quả hoạt động của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước

Đã có hơn 30 vị đại biểu tham gia thảo luận về kết quả giám sát tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Đã có hơn 30 vị đại biểu tham gia thảo luận về kết quả giám sát tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Việc xác định các tập đoàn đa ngành đa lĩnh vực là hoàn toàn đúng đắn, tạo nên tính cạnh tranh cao, hiệu quả cao cho nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã nhấn mạnh điều này tại phiên giám sát của Quốc hội về hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước của tập đoàn, tổng công ty, chiều 9/11.

Trước đó, nhiều vị đại biểu đã phàn nàn về tình trạng tập đoàn đầu tư ra ngoài ngành, như bất động sản, chứng khoán…kém hiệu quả.

Không để mất thời cơ của doanh nghiệp

Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, Nghị quyết Đại hội Đảng X đã xác định thành lập các tập đoàn kinh doanh đa ngành đa nghề, đa sở hữu thì chúng ta phải để cho họ đa ngành như các tập đoàn trên thế giới. Đa ngành thì họ mới có điều kiện phát triển, bổ sung từ lĩnh vực này cho lĩnh vực khác để có thể phát triển trong từng giai đoạn.

Bộ trưởng cho rằng, tạo điều kiện cho các tập đoàn đa ngành đa nghề là để có môi trường cạnh tranh. “Nếu bây giờ bưu chính viễn thông chỉ VNPT thôi, không cho EVN làm thì làm sao có môi trường cạnh tranh để có sự giảm giá cước như hiện nay”, ông Phúc nói.

Bộ trưởng Phúc cũng giải thích, Chính phủ chỉ nắm phần vốn Nhà nước, còn đối với các việc đầu tư các dự án cụ thể thì hiện nay đã phân cấp triệt để cho các tập đoàn và các tổng công ty, Chính phủ không can thiệp.

“Nếu cơ chế cứ để như từ xưa đến nay, vấn đề gì cũng phải trình lên Thủ tướng, rồi bộ trưởng thẩm định thì cơ hội của các doanh nghiệp trôi qua”, Bộ trưởng Phúc nói.

Tuy nhiên, tranh luận với bộ trưởng về quan điểm đa ngành, một số ý kiến đồng tình với đại biểu Trần Du Lịch phát biểu trước đó. Tức là có thể mở rộng đa ngành. Nhưng các tập đoàn thế giới họ muốn đa ngành thì phải tốn hàng trăm năm để phát triển, chứ không phải hôm nay ra quyết định thành lập ngày mai đã đa ngành. Còn việc vừa qua một số đơn vị đầu tư theo thời thượng, chạy theo mục tiêu tài chính như làm về tài chính ngân hàng, đầu tư sai ngành, tạo bức xúc xã hội, đó là điều đáng tiếc.

Tuần này có nghị định quản lý tập đoàn

Đánh giá về tập đoàn, tổng công ty Nhà nước như thế nào cho thực sự khách quan là vấn đề nhiều đại biểu đề cập. Đại biểu Nguyễn Văn Thời phát biểu “có thể một số đồng chí lãnh đạo tập đoàn sẽ rất buồn, vì sự đóng góp nhiều nhưng vẫn có ý kiến đánh giá không tốt”…

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, nhiếu vị đại biểu đã đánh giá tương đối xác đáng, khách quan về tập đoàn, tổng công ty. Ông cho rằng nếu tách được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận với các nhiệm vụ an an sinh xã hội thì có thể đánh giá đầy đủ hơn. "Tuy nhiên, việc này rất khó, bản thân tập đoàn cũng không tách được", Bộ trưởng Ninh phân trần.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng cho rằng cần có quan điểm lịch sử trong xu thế phát triển chung để đánh giá về doanh nghiệp Nhà nước.

Liên quan đến hành lang pháp lý cho tập đoàn kinh tế Nhà nước, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm thảo luận, Bộ trưởng Phúc cho biết, Chính phủ đã giao bộ này xem xét đánh giá lại việc thành lập tập đoàn thời gian qua, xây dựng mô hình quản lý và đưa ra cơ sở pháp lý để quản lý tập đoàn. Trên cơ sở đó xây dựng Nghị định quản lý các tập đoàn. Nghị định này đã được Chính phủ thảo luận và Thủ tướng sẽ ký để ban hành trong tuần này, ông Phúc cho biết.

Việc quản lý vốn chủ sở hữu nhà nước hiện nay như thế nào, Thủ tướng cũng đã giao Bộ Kế hoạch đầu tư. Hiện quá trình này là quá trình chúng ta làm mày mò, không thể rập khuôn theo một nước nào mà phải theo thực tiễn của từng nước, từ bài học kinh nghiệm của mình, ông Phúc nói.

Phiên thảo luận chiều nay, một số ý kiến cũng cho rằng, đại biểu cần những điều cao hơn, sâu hơn những điều tại báo cáo kết quả giám sát. Bởi một phần “tảng băng chìm” chưa được thể hiện tại đây.

Theo đại biểu Ngô Văn Minh, bên cạnh báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần có báo cáo của Chính phủ để Quốc hội chỉ thảo luận về chỗ còn khác nhau giữa hai báo cáo này.