16:41 28/02/2018

Taxi Hàng không Đà Nẵng lao đao vì Uber, Grab

KIỀU LINH

Mascow - công ty sở hữu thương hiệu Taxi Hàng không Đà Nẵng, cho biết lợi nhuận của hãng sụt giảm vì Uber, Grab

Lợi nhuận của MASCO - công ty sở hữu thương hiệu Taxi Hàng không Đà Nẵng sụt giảm vì Uber, Grab.
Lợi nhuận của MASCO - công ty sở hữu thương hiệu Taxi Hàng không Đà Nẵng sụt giảm vì Uber, Grab.

Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không sân bay Đà Nẵng - Masco (mã chứng khoán MAS - HNX) vừa có văn bản giải trình về việc lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính bộ phận năm 2017 đã được kiểm toán kết thúc vào ngày 31/12/2017, lợi nhuận trước thuế của năm 2017 đạt 13,5 tỷ đồng, thấp hơn 14% so với cùng kỳ năm 2016, tương ứng lợi nhuận sau thuế giảm 15% so với cùng kỳ. Năm 2016, lợi nhuận trước thuế của Masco đạt 15,6 tỷ đồng.

Theo Masco, tổng doanh thu giảm 4,5% so với cùng kỳ đã làm cho lợi nhuận trước thuế giảm 14% và lợi nhuận sau thuế giảm 15%. Nguyên nhân chính làm giảm doanh thu trong kỳ là do trong năm 2017 không thực hiện hợp đồng cung cấp chăn dạ trên tàu bay.

Bên cạnh đó, chi phí tiền lương, chi phí khuyến mãi hoa hồng, tiền thuê mặt bằng của bộ phận taxi tăng để giữ ổn định hoạt động kinh doanh taxi trước bối cảnh cạnh tranh với taxi công nghệ đã làm cho chi phí tăng lên.

Còn lại các sản phẩm khác cũng như doanh thu của các đơn vị còn lại vẫn giữ mức ổn định và tăng trưởng nhẹ.

Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng tiền thân là một doanh nghiệp Nhà nước. Năm 2007, Masco trở thành công ty đại chúng và đến năm 2009, niêm yết trên sàn UpCOM.

Masco kinh doanh các ngành nghề chính như cung cấp suất ăn, vật dụng và dụng cụ trên tàu bay; vận chuyển hành khách; kinh doanh vận tải hành khách hàng hóa bằng ôtô, taxi nội tỉnh và liên tỉnh thương hiệu Taxi Hàng không Masco.

Trước đó, một loạt "ông lớn" trong ngành vận tải như taxi Vinasun, Mai Linh cũng than gặp khó trước làn sóng cạnh tranh áp đảo từ loại hình vận tải như Uber, Grab.

Luỹ kế cả năm 2017, doanh thu Vinasun đạt 2.937 tỷ đồng, giảm 35% so với con số 4.519 tỷ đồng đạt được năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng theo đó giảm tới 40% với năm 2016, đạt 187,3 tỷ đồng cả năm 2017.

Một doanh nghiệp khác trong ngành vận tải đó là taxi Mai Linh cũng gặp khó vì Uber, Grab. Mới đây, lãnh đạo Mai Linh gửi đơn kêu cứu xin giãn khoản nợ cũ 180 tỷ đồng về bảo hiểm xã hội.

Lãnh đạo Mai Linh cho biết, doanh thu của hãng giảm hơn 30% so với trước khi có các hãng gọi xe công nghệ như Uber, Grab và nhiều khả năng mất khả năng thanh toán, do nguồn thu không thể trả kịp cho các khoản nợ đến hạn, quá hạn và các khoản nợ đọng nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cùng tiền phạt do nộp chậm.

Theo số liệu thống kê trên toàn hệ thống Công ty Mai Linh, tính đến 31/10/2017, số nợ đọng nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trên 180 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là trên 150 tỷ đồng, lãi chậm nộp gần 77 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh bết bát của các công ty này phản ánh rất rõ sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình vận tải mới như Uber, Grab… đối với taxi truyền thống kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam năm 2014.