Đẩy mạnh đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vật liệu
Thực tiễn trên thế giới, không quốc gia nào tiến hành công nghiệp hóa thành công và có nền công nghiệp phát triển mà không có ngành công nghiệp vật liệu phát triển
Công nghiệp vật liệu là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò cung cấp đầu vào cho tất cả các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng. Tuy nhiên, nhân lực cho ngành này đang rất thiếu, cần phải có chiến lược đào tạo.
CẦN CHÚ TRỌNG ĐÀO TẠO
Một trong số những nguyên nhân dẫn đến nguồn nhân lực của ngành công nghiệp vật liệu còn thiếu và yếu là đào tạo. Đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn kết chặt chẽ với phát triển khoa học và công nghệ. Cơ chế, chính sách cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vật liệu nói riêng còn nhiều bất cập.
Tại hội thảo quốc tế "Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH-CN), đại học quốc gia Tp.HCM phối hợp tổ chức vào cuối tuần qua tại TPHCM, các chuyên gia đã tập trung, phân tích, làm rõ về tình hình phát triển công nghiệp và ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam.
"Trước yêu cầu phát triển công nghiệp đất nước trong giai đoạn mới, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi Việt Nam cần có tư duy và cách tiếp cận mới trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu trong thời gian tới", Trưởng Ban Kinh Tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cụ thể hơn, đó là thực trạng nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu; nhận diện bối cảnh, xu thế và tư duy, cách tiếp cận mới trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất, kiến nghị các chủ trương, chính sách lớn cho phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Đa số các chuyên gia và doanh nghiệp trong nước đều thừa nhận ngành công nghiệp vật liệu của nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, mong muốn và yêu cầu đặt ra. Nguyên vật liệu trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng, dẫn đến phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu. Hơn nữa, sức cạnh tranh của nhiều ngành vật liệu còn hạn chế cả về trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng và chi phí.
Ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, khẳng định: Vật liệu mới, vật liệu kỹ thuật cao có thể coi là chìa khóa cho sự phát triển công nghệ trong hầu hết các lĩnh vực như: công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông, y học, quốc phòng, an ninh, công nghệ thông tin...
"Tại Việt Nam, nhu cầu vật liệu cho sản xuất ngày càng tăng trong khi năng lực sản xuất vật liệu còn nhỏ, năng suất và chất lượng còn hạn chế. Ứng dụng Khoa học - Công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vật liệu, cũng cần phải chú trọng phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu tương xứng với tiềm năng, đáp ứng nhu cầu, chủ động phát triển các ngành kinh tế", ông Huỳnh Thành Đạt nói.
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh: "Thực tiễn trên thế giới, không quốc gia nào tiến hành công nghiệp hóa thành công và có nền công nghiệp phát triển mà không có ngành công nghiệp vật liệu phát triển. Ngành công nghiệp vật liệu là nền tảng đóng vai trò cung cấp đầu vào cho tất cả các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng. Do đó, để ngành công nghiệp vật liệu ở Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng, nhiệm vụ then chốt là phải đào tạo nguồn nhân lực, khắc phục tình trạng thiếu và yếu như hiện nay".
CHIA SẺ BÀI HỌC TỪ TPHCM
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, nhìn nhận sự cố đứt gãy chuỗi cung ứng vật liệu trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020 cho thấy công nghiệp vật liệu có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Trong khi đó, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu để phục vụ sản xuất trong nước.
Thời gian qua, Nhà nước đã có sự quan tâm với ngành công nghiệp hỗ trợ. Nghị định 111/2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ quy định một số chính sách ưu đãi thuế, phí, tín dụng. Luật Đầu tư 2020 cũng đưa ra các quy định ưu đãi đầu tư đối với các ngành sản xuất vật liệu.
Tuy nhiên, trước yêu cầu mới, cần tiếp tục tăng cường chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu bởi nhu cầu vốn cho đầu tư nghiên cứu, phát triển vật liệu là rất lớn. Đồng thời, cần chính sách đào tạo nguồn cử nhân đại học, sau đại học, đào tạo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để có thể khai thác được thế mạnh, tiềm năng còn bỏ sót.
Chia sẻ kinh nghiệm từ TPHCM, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết: Thành phố đã xác định 4 ngành công nghiệp trọng điểm để ưu tiên phát triển, đặc biệt tập trung vào phát triển các ngành công nghệ cao có tiềm năng tạo ra giá trị gia tăng cao, trong đó có công nghiệp vật liệu.
"Những dự án tốt trong lĩnh vực này sẽ được thành phố cho vay kích cầu, toàn bộ lãi suất do thành phố chi trả. Thời gian vay tối đa 7 năm, trong trường hợp đặc biệt có thể đến 10 năm. Trong 2 năm trở lại đây, giá trị của những dự án được vay khoảng hơn 1.100 tỷ đồng. Từ những dự án này đã ra được sản phẩm, tạo ra được những doanh nghiệp có tầm thế giới", ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Được biết, TPHCM cũng đã quan tâm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thể hiện qua chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của 8 nhóm ngành nghề. TPHCM luôn nhận thức được để duy trì tốc độ phát triển kinh tế bền vững thì phải dựa trên sự phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, ứng dụng nghiên cứu phát triển (R&D).