06:00 29/11/2021

Thách thức 2022:Tìm lối đi cho doanh nghiệp Việt Nam

Song Hà

Năm 2022 dịch bệnh được dự báo vẫn chưa thể chấm dứt, người dân và doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, bước vào một giai đoạn mới, trong tình hình bình thường mới cần có những giải pháp song hành vừa giải quyết dịch bệnh, vừa giải quyết các biện pháp kinh tế...

Năm 2022 doanh nghiệp còn bộn bề nỗi lo
Năm 2022 doanh nghiệp còn bộn bề nỗi lo

Tại diễn đàn “Doanh nghiệp 2022: Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng” diễn ra cuối tuần qua, các ý kiến đều nhận định, năm 2022 nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Phân tích về thực trạng hiện nay, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, đưa ra bốn yếu tố ảnh hưởng tới phục hồi và tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Thứ nhất, đến nay chưa có dự báo nào nhận định được dịch bệnh sẽ đi tới đâu. Hiện chúng ta chỉ mong chờ vào vaccine, hay sự “đột biến hỏng” của Covid-19 (như tại Nhật Bản). Việt Nam đã thay đổi chiến lược chống dịch, xác định thích ứng và chung sống an toàn với dịch.

Thứ hai, đà phục hồi kinh tế. Theo các dự báo, tăng trưởng hai năm tới của thế giới có thể chậm lại và không đồng đều giữa các quốc gia nhưng đà phục hồi khá rõ ràng. Các thị trường mạnh về đầu tư, lớn về thị trường là các đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam từ châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ đều cho thấy dấu hiệu phục hồi.

Tuy nhiên, do sự phục hồi không đồng đều và rủi ro quá lớn, nên những rủi ro xảy ra như sự thu hẹp hoặc dừng lại của các gói hỗ trợ khiến quá trình phục hồi khó khăn hơn. Bên cạnh đó là rủi ro tài chính như sự tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán, bất động sản và rủi ro nợ của thế giới lớn hơn bao giờ hết.

Thứ ba, các gói hỗ trợ chưa có tiền lệ về quy mô, cách thức, đối tượng, trao quyền… Ông Thành cho rằng, sự hỗ trợ là cần thiết mà tất cả các quốc gia đều cần áp dụng. Nhưng rủi ro cũng chưa có tiền lệ, có nhiều điều chưa phù hợp ngay trong thiết kế và thực thi chính sách.

Đưa ví dụ về những gói hỗ trợ ban đầu có quy mô quá nhỏ và thực thi thiếu hiệu quả, khả năng tiếp cận của người dân và doanh nghiệp hạn chế, ông Thành nhấn mạnh đặc biệt là trách nhiệm của công chức trong thiết kế và thực thi chính sách chưa phù hợp.

Thứ tư, với xu thế thế giới, các dự báo gần đây đều nhấn mạnh gắn phục hồi với xu thế mới là phục hồi xanh, phục hồi số và chyển đổi số. Đây là hai điểm mấu chốt thực hiện phát triển bền vững bao trùm sáng tạo, đòi hỏi Việt Nam có kế hoạch thực hiện các xu thế này.

Còn theo ông Đặng Xuân Quang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, dự báo phục hồi kinh tế Việt Nam năm 2022 và những năm tiếp theo là rất khó và phức tạp.

Đồng tình với quan điểm thận trọng này, Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo GDP Việt Nam năm nay ít lạc quan hơn khoảng 4,9%, nhưng sẽ có những tín hiệu tích cực đến từ việc mở cửa các quốc gia, điều này sẽ hỗ trợ cho việc phục hồi sản xuất, hàng hóa, đầu tư trên toàn cầu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh này cũng nổi lên những yếu tố tiêu cực như áp lực lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia; bên cạnh đó, nguy cơ bùng phát dịch bệnh mạnh trong năm 2022 và các năm tiếp theo có thể khiến quá trình phục hồi của các chuỗi giá trị sẽ chậm lại.

Sự phục hồi kinh tế diễn ra không đồng đều, giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ có những biến động mạnh, xu hướng tăng trong năm 2022. Đơn cử như giá dầu lửa đã tăng rất nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù một số dự báo cho rằng giữa năm 2022 trở đi có thể giảm, nhưng rõ ràng việc giá dầu lửa tăng sẽ tác động lớn đến kinh tế thế giới và cả Việt Nam.

Bên cạnh đó, sẽ có sự tác động từ các yếu tố liên quan đến các gói kích thích tài khóa lớn trong nước, nới lỏng tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo tính toán của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, nếu thực hiện các gói kích thích tài khóa tương đương 1% GDP, tức có khoảng 37.000 tỷ đồng để tác động làm tăng tốc độ tăng trưởng GDP.

Nếu không có gói kích thích này thì cần có những gói tăng chi tiêu công, đầu tư công hay giảm lãi suất, giảm VAT... Đây là những yếu tố cần lưu ý khi tính toán đến sự phát triển của các ngành trong năm 2022.

 

Chuyển đổi số trong cải cách thể chế và thủ tục hành chính rất quan trọng.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu về cải cách thể chế của Việt Nam là đúng, nhưng phải thay đổi tư duy, thay đổi cách làm và đặc biệt phải đi trước. Chúng ta cần phải có sự phản ứng chính sách nhanh, đòi hỏi cao, mang tính chất toàn diện, tính dự đoán dài hạn.

Chuyển đổi số trong cải cách thể chế và thủ tục hành chính rất quan trọng. Trong khi đó, thủ tục hành chính truyền thống và ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

Một vấn đề nữa, bài học kinh nghiệm rất quan trọng cho tương lai, đó là khi thiết kế thực thi các chính sách hỗ trợ vẫn gặp phải một số rào cản. Có rất nhiều gói hỗ trợ bị vướng về thủ tục hành chính. Rào cản về thủ tục không chỉ gây khó khăn, mà còn tạo ra sự không công bằng cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiếp cận chính sách và làm méo mó môi trường kinh doanh.

Đáng chú ý, sự hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Nếu không có sự phối hợp với địa phương khác, ngay lập tức tạo thành rào cản, tạo điểm nghẽn trong việc lưu thông. Theo kinh nghiệm quốc tế, rất nhiều quốc gia trước khi cải cách dài hạn đã thành lập cơ chế phân quyền nhằm tạo sự thuận lợi không chỉ trong nước, mà còn trên trường quốc tế.

 

 

Tránh tình trạng “cát cứ” không thống nhất gây cản trở

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế
Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng, Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế

"Để phục hồi lại các chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất, xuất khẩu, cần bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại phục vụ việc phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, tránh tình trạng “cát cứ” không thống nhất gây cản trở. Đồng thời, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên, vật liệu, năng lượng.

Về xuất nhập khẩu, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia để tham mưu Chính phủ các giải pháp điều hành ứng phó với các yếu tố bất lợi. Chú trọng công tác triển khai thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do nói chung, nhất là các FTA thế hệ mới. Tổ chức xúc tiến thương mại trực tuyến, chú trọng logistics…

Đẩy mạnh lưu thông phân phối hàng hóa giữa các địa phương nhằm bảo đảm cung ứng nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân. Triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước như: tổ chức tháng khuyến mại trên toàn quốc, các chương trình bán hàng lưu động, chương trình bình ổn thị trường… Tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước. Đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa".