11:26 24/03/2022

Thái Lan cấm thanh toán bằng tiền ảo từ 1/4

Đức Anh

Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Thái Lan (SEC) ngày 23/3 thông báo lệnh cấm sử dụng các loại tiền ảo trong giao dịch thanh toán, có hiệu lực từ ngày 1/4, nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính...

Tiền ảo được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch thanh toán tại Thái Lan - Ảnh: Reuters
Tiền ảo được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch thanh toán tại Thái Lan - Ảnh: Reuters

Lệnh cấm này áp dụng cho tất cả các loại tiền ảo, bao gồm Bitcoin – tiền ảo lớn nhất trên thị trường hiện nay. Theo đó, người tiêu dùng tại Thái Lan sẽ không được phép sử dụng tiền ảo để mua bán hàng hóa và dịch vụ. Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán bằng tiền ảo sẽ được cho thêm một tháng để dừng mọi hoạt động vào cuối tháng 4.

Tuy nhiên, lệnh cấm này không áp dụng với hoạt động giao dịch tài sản số vì mục đích đầu tư.

SEC cho biết cơ quan này quyết định quản lý và kiểm soát việc sử dụng tiền ảo sau khi thảo luận với Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) về “các rủi ro và lợi ích”. Các rủi ro được chỉ ra bao gồm sự thiệt hại do biến động giá, đánh cắp qua mạng và hoạt động rửa tiền.

 

Theo khảo sát của hãng Statista, hiện khoảng 31% dân số Thái Lan sở hữu tài sản số - tỷ lệ lớn thứ hai trong 56 quốc gia được khảo sát, chỉ sau Nigeria.

Tại Thái Lan, các loại tài sản số nhận được sự quan tâm lớn và được sử dụng rộng rãi trong giao dịch thanh toán. Mall Group – một công ty bán lẻ lớn của nước này, đã bắt đầu lắp đặt một loạt thiết bị thanh toán bằng tiền ảo tại các trung tâm mua sắm của mình từ tháng 12 năm ngoái. Trong khi đó, công ty bất động sản thuộc sở hữu của Tập đoàn Charoen Pokphand – còn được gọi là CP Group – cũng đã cho phép khách hàng thanh toán bằng tiền ảo khi mua nhà.

Theo khảo sát của hãng Statista, hiện khoảng 31% dân số Thái Lan sở hữu tài sản số - tỷ lệ lớn thứ hai trong 56 quốc gia được khảo sát, chỉ sau Nigeria.

Theo dự thảo trước đó về lệnh cấm nói trên, những người vi phạm lệnh cấm giao dịch thanh toán bằng tiền ảo – dù là người mua hay người bán – sẽ bị phạt 300.000 Baht (khoảng 9.000 USD) cộng với 10.000 Baht mỗi ngày nếu họ tiếp tục tái phạm.

Cùng với Thái Lan, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), như Brunei, Indonesia và Malaysia, đều đã đưa ra các quy định tương tự những năm gần đây.

BoT hồi tháng 12 năm ngoái nhấn mạnh rằng không muốn các ngân hàng thương mại Thái Lan có liên quan trực tiếp tới việc giao dịch tài sản số bởi rủi ro biến động giá quá lớn. Tuy nhiên, BoT và SEC vẫn cho phép giao dịch tiền ảo trên các sàn giao dịch được SEC cấp phép.

Thái Lan hiện có 8 sàn giao dịch được cấp phép, trong đó có Bitkub – cũng là sàn lớn nhất nước này. Ngân hàng Thương mại Siam (SCB), nhà băng lâu đời nhất Thái Lan, đã đầu tư 17,85 tỷ Baht để mua lại 51% cổ phần Bitkub vào tháng 11/2021.

Theo nhà phân tích Terdsak Thaweethiratham của Asia Plus Securities, khó có thể tránh được lệnh cấm của BoT hay SEC bởi đây là những cơ quan có nghĩa vụ kiểm soát rủi ro và duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính đất nước. Tuy nhiên, ông cho rằng Thái Lan không thể tránh được những đổi mới về công nghệ tài chính cũng như việc sử dụng chuỗi khối và Bitcoin.

“Chúng tôi chỉ hy vọng các quy định linh hoạt hơn và công bằng hơn với tất cả các bên tham gia thị trường”, ông Thaweethiratham nói.