Thái tử Ả Rập toan tính sở hữu vũ khí hạt nhân
“Nếu Iran phát triển bom hạt nhân, thì chúng tôi sẽ làm theo họ sớm nhất có thể”, vị thái tử 32 tuổi tuyên bố
Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia, người đang tạo ra hàng loạt thay đổi ở quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới, ngày 15/3 nói rằng nước này sẽ phát triển bom hạt nhân nếu Iran - đối thủ khu vực của Riyadh - sở hữu vũ khí như vậy.
Theo hãng tin CNBC, tuyên bố trên làm dấy lên những lo ngại về phổ biến vũ khí hạt nhân vào thời điểm mà Saudi Arabia tìm kiếm công nghệ nước ngoài, bao gồm từ Mỹ, cho chương trình năng lượng hạt nhân của mình. Tuyên bố được đưa ra chỉ hai tháng trước một thời hạn chót mà Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể xóa bỏ một thỏa thuận về hạn chế chương trình hạt nhân của Iran.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài CBS, thái tử Mohammed, 32 tuổi, nói Saudi Arabia không chủ động theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng điều đó có thể bất ngờ thay đổi.
"Saudi Arabia không muốn có bom hạt nhân, nhưng chắc chắn là, nếu Iran phát triển bom hạt nhân, thì chúng tôi sẽ làm theo họ sớm nhất có thể", ông Mohammed nói.
Saudi Arabia dự định sẽ xây 16 lò phản ứng hạt nhân trong vòng 25 năm, theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới. Chi phí của các dự án này có thể lên tới 80 tỷ USD, mở ra một cơ hội lớn cho các công ty xây dựng và vận hành nhà máy hạt nhân.
Đây cũng là lĩnh vực kinh doanh mà chính quyền Trump theo đuổi. Cơ hội ở Saudi Arabia có thể giúp cho Westinghouse, công ty xây dựng hạt nhân phá sản của Mỹ, cũng như các công ty phát điện hạt nhân của nước này như Exelon, trong bối cảnh các nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ gặp khó khăn tài chính do sự cạnh tranh mạnh mẽ của khí tự nhiên và các nguồn năng lượng tái tạo.
Theo dự kiến, thái tử Mohammed sẽ thăm Mỹ vào tuần tới và có cuộc gặp với Tổng thống Trump. Có nhiều ý kiến cho rằng Saudi Arabia có thể dễ dàng tìm đến các quốc gia khác như Trung Quốc để tiếp cận công nghệ hạt nhân nếu Mỹ tỏ thái độ cứng rắn.
Gần đây, đã xuất hiện nhiều lo ngại về việc chính quyền Trump có thể nới lỏng hạn chế đối với hoạt động làm giàu hạt nhân mà Mỹ thường áp đối với các quốc gia nhận công nghệ hạt nhân của Mỹ. Hạn chế nằm trong các thỏa thuận được gọi là "thỏa thuận 123" này nhằm ngăn chặn làm giàu uranium hoặc tái chế plutonium cho phát triển vũ khí hạt nhân.
Saudi Arabia đã tỏ thái độ phản đối với hạn chế như vậy. Riyadh nhấn mạnh việc Iran được phép làm giàu uranim cho các mục đích dân sự theo thỏa thuận 2015 với Mỹ và 5 cường quốc khác. Đây là thỏa thuận nới trừng phạt cho Iran về chương trình hạt nhân bị cho là nhằm phát triển vũ khí của Tehran, đổi lấy Iran chấp nhận giới hạn chương trình hạt nhân và thanh tra quốc tế.
Thỏa thuận hạt nhân Iran đang có nguy cơ đổ vỡ. Tháng 1, ông Trump tuyên bố không còn muốn nới trừng phạt cho Iran, trừ phi chính quyền ông có thể đạt một thỏa thuận với các đối tác châu Âu về siết chặt các điều khoản của thỏa thuận này trước ngày 12/5.
Về phần mình, Iran cũng cảnh báo sẽ rút khỏi thỏa thuận này, cáo buộc Mỹ không hành động đủ để chứng tỏ với các ngân hàng và công ty quốc tế rằng họ sẽ không bị trừng phạt nếu vào thị trường Iran. Tehran cho rằng vì lý do này Iran không được hưởng những lợi ích kinh tế như thỏa thuận đã hứa hẹn, đồng thời khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình.
Saudi Arabia và Iran đứng về hai phe khác nhau trong các cuộc nội chiến ở Syria và Yemen. Riyadh cũng lo ngại về ảnh hưởng của Tehran ở các quốc gia Trung Đông khác như Iraq và Lebanon.