09:15 26/11/2009

Thẩm quyền của trọng tài thương mại: "Mở" đến mức nào?

Nguyên Bình

Phạm vi, thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại được quy định thế nào tại dự án Luật Trọng tài thương mại?

Đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về thẩm quyền của trọng tài thương mại.
Đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về thẩm quyền của trọng tài thương mại.
Chiều 25/11, Quốc hội thảo luận và cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Trọng tài thương mại.

Những vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận là phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài thương mại; tiêu chuẩn trọng tài viên; hoạt động của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; đăng ký phán quyết của trọng tài vụ việc và vấn đề quản lý Nhà nước về trọng tài…

Đa số ý kiến thảo luận đồng ý với phạm vi, thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại gồm các hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 và có mở rộng thêm các trường hợp liên quan đến một bên có hoạt động thương mại.

Đề nghị gọi là Luật Trọng tài thay cho Luật Trọng tài thương mại, đại biểu Vũ Tiến Lộc lý giải tên gọi này sẽ hạn chế phạm vi thẩm quyền của trọng tài chỉ trong lĩnh vực tranh chấp thương mại. Điều này không phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam và đặc biệt là xu hướng phát triển của trọng tài ở nước ta cũng như là trên thế giới trong thời gian tới.

Theo đại biểu Lộc, pháp luật trọng tài của nhiều nước không có sự phân biệt rạch ròi giữa thương mại và dân sự. Trọng tài có thẩm quyền giải quyết cả tranh chấp dân sự và thương mại. Hiện có trên 90% số nước trên thế giới đã ban hành Luật trọng tài chứ không phải Luật trọng tài thương mại.

Tuy nhiên, đại biểu Võ Thị Thúy Loan không đồng tình việc mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài thương mại đối với các tranh chấp ngoài hợp đồng thương mại. “Tôi cho rằng việc mở rộng phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại sang các lĩnh vực khác trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay là chưa đủ sức thuyết phục”, đại biểu Loan nói. Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng cũng cho rằng cả hai phương án của dự thảo luật đều chưa ổn.

Đồng ý quan điểm mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại, song đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà  băn khoăn trước thực tế nước ta hiện nay có khoảng 150 trọng tài viên thương mại. So với hơn 80 triệu dân và nền kinh tế đang phát triển theo hướng mở rộng thương mại là chưa đủ mạnh, thấp hơn rất nhiều so với các nước như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản...

Nhiều đại biểu cũng tỏ ra băn khoăn trước thực tế hoạt động còn rất mờ nhạt của các trung tâm trọng tài thương mại. Từ năm 2003 đến nay Việt Nam có 7 trung tâm trọng tài thương mại, trong đó chỉ có trung tâm trọng tài thương mại quốc tế giải quyết trung bình 20-30 vụ việc/năm, một số trung tâm giải quyết 3-5 vụ việc, thậm chí có những trung tâm từ khi thành lập tới nay chưa giải quyết vụ việc nào.

Về tiêu chuẩn của trọng tài viên, nhiều ý kiến đề nghị nên quy định cụ thể tiêu để có đủ căn cứ cho việc tuyển chọn cũng như đề cao vai trò, trách nhiệm, đảm chất lượng giải quyết của trọng tài viên khi giải quyết các tranh chấp theo yêu cầu của các bên.

Với hoạt động của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng và một số đại biểu khác đề nghị nên có một chương riêng trong dự án luật này .

Liên quan đến thẩm quyền của hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đa số ý kiến đều đồng ý coi đây cũng là một biện pháp cần thiết để giải quyết vấn đề tranh chấp khi đưa ra trọng tài, ngoài biện pháp khẩn cấp mà tòa án có thẩm quyền áp dụng.

Hầu hết các ý kiến đồng ý giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý thống nhất về vấn đề trọng tài.