21:03 26/04/2019

Tham vọng của Singapore trên thị trường ngoại hối hơn 5 nghìn tỷ USD

Bình Minh

Singapore muốn xóa bỏ độ trễ đo bằng phần nghìn giây đồng hồ trong các giao dịch ngoại hối ở nước này

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Singapore đang nắm bắt một cơ hội được đo bằng phần nghìn giây đồng hồ để giành một thị phần lớn hơn trên thị trường giao dịch ngoại hối toàn cầu có quy mô 5,1 nghìn tỷ USD mỗi ngày, theo hãng tin Bloomberg.

Quốc gia Đông Nam Á này hiện đang khuyến khích các công ty giao dịch ngoại hối hàng đầu xây dựng những hệ thống có thể xóa bỏ độ trễ dưới 1 giây đồng hồ do giao dịch phải truyền qua Tokyo hoặc London. Đây là một phần trong kế hoạch của Singapore nhằm mở rộng ngành công nghiệp giao dịch tiền tệ nói chung của đảo quốc - ông Benny Chey, một quan chức của Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), cho biết.

Hai ngân hàng thuộc hàng lớn nhất thế giới là UBS và Citigroup hiện đã lắp đặt nền tảng giao dịch ngoại hối của mình tại Singapore và MAS hy vọng sẽ có thêm 6-8 công ty giao dịch ngoại hối lớn nữa vào nước này.

"Chúng tôi đang chuẩn bị để đón đầu sự giàu lên của châu Á", ông Chey nói. "Trong trung hạn sẽ có một sự dịch chuyển lớn về tăng trưởng kinh tế và gia tăng tài sản ở châu Á, nên chúng tôi đang cố gắng gia tăng hiệu quả cho hệ sinh thái của mình nhằm thu hẹp khoảng cách với các trung tâm giao dịch ngoại hối khác".

Chính phủ Singapore hiện đang đưa ra nhiều ưu đãi nhằm củng cố sức hút của đảo quốc với tư cách một trung tâm giao dịch ngoại hối dành cho hầu như mọi đồng tiền trên thế giới, từ các đồng tiền mạnh cho tới đồng tiền của các quốc gia mới nổi như Nhân dân tệ.

Singapore hiện đang là trung tâm giao dịch ngoại hối lớn nhất châu Á, nhưng vẫn còn thua Anh và Mỹ, nơi giới đầu tư giao dịch tương ứng 2,41 nghìn ỷ và 1,27 nghìn tỷ mỗi ngày.

Mục đích của Singapore trong việc rút ngắn khoảng cách với Anh và Mỹ về thị trường ngoại hối là nhằm tranh thủ những cơ hội trên thị trường quản lý tài sản có quy mô 22 nghìn tỷ USD của khu vực - nơi các nhà đầu tư ngày càng rót vốn mạnh vào tiền tệ để thay thế cho những kênh khác như cổ phiếu hay trái phiếu.

Theo dữ liệu của MAS, Singapore - quốc gia nổi tiếng với mức thuế thấp và ngành dịch vụ tài chính cởi mở - chứng kiến khối lượng giao dịch tiền tệ trung bình hàng ngày tăng lên mức 529 tỷ USD vào tháng 2 năm nay, từ mức 416 tỷ USD vào tháng 12/2016.

Thách thức lớn nhất đối với lĩnh vực giao dịch ngoại hối của Singapore là độ trễ khoảng 1/10 giây để một lệnh giao dịch được chuyển tới máy chủ ở Tokyo, London hay New York, ba thành phố mà hầu hết các ngân hàng lớn thường đặt bộ máy "đầu não" giao dịch ngoại hối của họ. Để thu hút những khách hàng lớn như quỹ đầu cơ và các nhà giao dịch thường xuyên, Chính phủ Singapore cần phải thuyết phục các ngân hàng xây dựng những hệ thống đắt đỏ đó và trung tâm dữ liệu tại nước này.

Những ưu đãi và nỗ lực của Singapore nhằm xóa độ trễ về giao dịch ngoại hối đã khiến Citigroup, công ty giao dịch ngoại hối lớn nhất thế giới về thị phần, đi đến quyết định thiết lập một hệ thống giao dịch và thiết lập tỷ giá điện tử ở Singapore. Trước đó, khách hàng của Citigroup ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải kết nối qua Tokyo.

"Việc kết nối giữa Singapore và Tokyo mất 70 phần nghìn giây. Nghe thì không phải là nhiều, nhưng khoảng thời gian đó tạo ra khác biệt lớn đối với cách mà các khách hàng tại Singapore có thể phát hiện ra mức giá", ông Mark Meredith, trưởng bộ phận giao dịch điện tử toàn cầu của Citigroup, nhận định.

Về phần mình, UBS đã khởi động hệ thống giao dịch và thiết lập tỷ giá điện tử ở Singapore trong tháng 4 này.

Một lợi thế của Singapore và vị trí trung tâm của nước này tại khu vực Đông Nam Á, nơi hoạt động thương mại gia tăng kéo theo nhu cầu đối với các công cụ và cơ sở cao cấp hơn về giao dịch ngoại hối.

Việc Singapore tăng thị phần trên thị trường giao dịch ngoại hối đã kéo theo sự suy giảm thị phần của các trung tâm khác ở châu Á. Từng là trung tâm giao dịch ngoại hối lớn nhất khu vực, Nhật Bản đã tụt xuống vị trí thứ ba về giá trị giao dịch hàng ngày từ năm 2016, sau Singapore và Hồng Kông.

Sự tụt hạng này diễn ra cho dù các nhà đầu tư giao dịch 415 tỷ USD ngoại hối mỗi ngày trên thị trường Tokyo vào thời điểm tháng 4/2018, tăng 7,4% so với thời điểm tháng 10/2016 - theo dữ liệu của Ủy ban Thị trường giao dịch ngoại hối Tokyo (TFEMC).