Thanh Hoá đặt nhiều mục tiêu lớn trong năm 2025
Khép lại năm 2024, Thanh Hoá đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có thu ngân sách nhà nước hơn 54.000 tỷ đồng, trong tốp 10 địa phương cao nhất nước...
Bước sang năm 2025, với phương châm hành động “Đoàn kết trách nhiệm - Sáng tạo hiệu quả - Tăng tốc về đích”, UBND tỉnh Thanh Hoá đề ra mục tiêu tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nỗ lực, tăng tốc, bứt phá, phấn đấu hoàn thành tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu.
Thanh Hóa đặt chỉ tiêu trong năm 2025 cụ thể như sau: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên, trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3% trở lên; công nghiệp - xây dựng tăng 15% trở lên (công nghiệp tăng 18% trở lên; xây dựng tăng 7% trở lên); dịch vụ tăng 8% trở lên; thuế sản phẩm tăng 10% trở lên. GRDP bình quân đầu người đạt 3.750 USD trở lên. Tổng giá trị xuất khẩu đạt 8 tỷ USD trở lên.
Năm 2025, Thanh Hoá đặt mục tiêu tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt từ 140.000 tỷ đồng trở lên. Để đạt được mục tiêu trên, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hoá, cho biết để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đã đề ra mục tiêu tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 140.000 tỷ đồng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các sở, ngành, địa phương, đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, sớm đưa các dự án hoàn thành, đi vào hoạt động.
Đối với các dự án đang triển khai thực hiện, các đơn vị được giao làm đầu mối theo dõi dự án tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư tập trung nhân lực, nguồn lực để triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ cam kết; thường xuyên theo dõi, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết...
Đối với các dự án đang thực hiện hồ sơ, thủ tục đầu tư, chưa triển khai thực hiện, các đơn vị được giao làm đầu mối theo dõi dự án, UBND cấp huyện nơi có dự án thực hiện chủ động nắm bắt tiến độ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư, các khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi để dự án sớm triển khai thực hiện...
Cũng theo ông Nghĩa, đối với nhóm dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết liệt, tích cực hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng, phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của các dự án lớn, trọng điểm, tạo sự đồng thuận, ủng hộ việc triển khai thực hiện trên địa bàn; thực hiện nghiêm việc ký cam kết tiến độ bàn giao mặt bằng sạch với các nhà đầu tư.
Để tiếp tục thu hút các dự án đầu tư mới ngoài ngân sách, theo ông Nghĩa, các cấp, các ngành, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các ngành, các cấp trong hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp; linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết công việc.
Đồng thời các đơn vị này cần đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện để sớm hoàn thành các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tập trung thu hút các nhà đầu tư để sớm đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có trong Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh.
Về nhiệm vụ quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hoá, cho biết Cục Thuế, Cục Hải quan Thanh Hoá, UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả ngay từ đầu năm công tác thu ngân sách, đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; quản lý chặt chẽ đối tượng hoàn thuế đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Năm 2025, Thanh Hoá tập trung giải quyết các thủ tục hành chính của tổ chức, người dân và doanh nghiệp, bảo đảm trên 98% hồ sơ hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp được giải quyết trước và đúng hạn. Tỉnh này số hóa 100% kết quả giải quyết hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở ngành, địa phương.
Tới đây Thanh Hoá sẽ triển khai, nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ”. Thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị; tổ chức đối thoại với người dân, cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn theo thẩm quyền. Chấm dứt tình trạng không trả lời hoặc trả lời chung chung, không cụ thể, không rõ ràng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm...