10:00 09/04/2025

Thanh Hóa giành ngôi "á quân" trên bảng xếp hạng FTA index

Thiên Anh

Thanh Hóa đạt tổng điểm FTA Index là 34,13 điểm, chỉ xếp sau tỉnh Cà Mau (34,90 điểm) và vượt qua nhiều địa phương phát triển khác như Bình Dương (34,02 điểm), Khánh Hòa (32,92 điểm) và các thành phố lớn như Hồ Chí Minh và Hải Phòng...

Một góc thành phố Thanh Hóa
Một góc thành phố Thanh Hóa

Tại Lễ công bố xếp hạng Chỉ số đánh giá kết quả thực thi Hiệp định thương mại tự do (FTA Index) năm 2024, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 8 tháng 4 năm 2025, Thanh Hóa được xướng tên với vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng FTA Index. 

Bên cạnh việc được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì thành tích chung trong đánh giá thực hiện các hiệp định thương mại tự do, Thanh Hóa còn được Bộ trưởng Bộ Công Thương vinh danh là địa phương đạt kết quả tốt nhất về triển khai và thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Đây là một trong bốn trụ cột chính của FTA Index, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các hiệp định thương mại tự do; thực hiện quy định pháp luật về các hiệp định thương mại tự do; và triển khai các cam kết về phát triển bền vững.

Theo số liệu được công bố, Thanh Hóa đạt tổng điểm FTA Index là 34,13 điểm, chỉ xếp sau tỉnh Cà Mau (34,90 điểm) và vượt qua nhiều địa phương phát triển khác như Bình Dương (34,02 điểm), Khánh Hòa (32,92 điểm) và các thành phố lớn như Hồ Chí Minh và Hải Phòng (cùng được Thủ tướng tặng Bằng khen).

Kết quả này có được nhờ sự chủ động và quyết liệt của tỉnh trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các hiệp định thương mại tự do. Tính đến năm 2024, toàn tỉnh Thanh Hóa có 304 doanh nghiệp tham gia sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang 68 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 50 chủng loại hàng hóa. Các thị trường xuất khẩu lớn của tỉnh bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Thanh Hóa đạt giá trị cao, bao gồm giầy dép đạt 2,2 tỷ USD (chiếm 36,3% tổng giá trị xuất khẩu), dệt may đạt 2,1 tỷ USD (chiếm 34,5%), và sản phẩm sau lọc hóa dầu đạt trên 1,1 tỷ USD (chiếm 18,1%).

Số liệu cụ thể về hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Thanh Hóa trong năm 2024 đối với một số hiệp định thương mại tự do tiêu biểu cho thấy sự tăng trưởng đáng kể.

Đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 3,522 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 2,236 tỷ USD (tăng 17,6%) và nhập khẩu đạt 1,286 tỷ USD (tăng 19,15%), với 111 doanh nghiệp tham gia.

Đối với Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 2,362 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 1,59 tỷ USD (tăng 10,26%) và nhập khẩu đạt 772 triệu USD (tăng 4,2%), với 104 doanh nghiệp tham gia.

Đối với Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 135,727 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 126,272 triệu USD (tăng 2,16%) và nhập khẩu đạt 9,455 triệu USD (tăng 11,25%), với 24 doanh nghiệp tham gia.

Đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 5,277 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 1,859 tỷ USD (tăng 19,34%) và nhập khẩu đạt 3,417 triệu USD (tăng 11,42%), với 303 doanh nghiệp tham gia.