10:06 07/09/2007

Thành lập Tổ Kiểm tra cơ động hàng dệt may xuất khẩu

Đặng Nguyễn

Đề án “Thành lập Tổ Kiểm tra cơ động hàng dệt may xuất khẩu” đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến đóng góp xây dựng từ các doanh nghiệp

Trước đây, khi hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ còn bị áp hạn ngạch, việc quản lý các doanh nghiệp xuất khẩu được cấp quota được thực hiện chặt chẽ.
Trước đây, khi hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ còn bị áp hạn ngạch, việc quản lý các doanh nghiệp xuất khẩu được cấp quota được thực hiện chặt chẽ.
Đề án “Thành lập Tổ Kiểm tra cơ động hàng dệt may xuất khẩu” đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến đóng góp xây dựng từ các doanh nghiệp ngành dệt may để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ nay đến ngày 10/9/2007.

Lý giải về sự cần thiết phải thành lập Tổ Kiểm tra cơ động hàng dệt may xuất khẩu, một đại diện của Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: trước đây, khi hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ còn bị áp hạn ngạch, việc quản lý các doanh nghiệp xuất khẩu được cấp quota được thực hiện chặt chẽ. Chỉ những doanh nghiệp nào đáp ứng các tiêu chí như: năng lực sản xuất, thành tích xuất khẩu..., đồng thời phải tuân thủ hàng loạt các quy định khác mới được cấp quota. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu được giám sát chặt chẽ thông qua mạng Elvis truyền dữ liệu về chi tiết từng lô hàng từ Việt Nam sang Hải quan Hoa Kỳ.

Khi hạn ngạch dệt may đã dỡ bỏ

Nhưng hiện nay, do hạn ngạch dệt may đã được dỡ bỏ, các quy định về năng lực sản xuất cũng không còn hiệu lực. Trong khi đó, cùng với việc Bộ Công Thương quyết định dừng việc cấp giấy phép xuất khẩu (E/L) tự động từ ngày 22/6/2007, không giám sát lượng hàng xuất khẩu thông qua việc cấp C/O bắt buộc khiến cho việc quản lý doanh nghiệp khó khăn hơn do không nắm được số liệu xuất khẩu kịp thời để qua đó nắm tình hình sản xuất, xuất khẩu của từng doanh nghiệp và có thể phát hiện các trường hợp có dấu hiệu gian lận thương mại. Hơn nữa, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, cơ quan quản lý cũng không có công cụ để kiểm tra và xử lý.

Như vậy, hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hoá đối với hàng dệt may luôn có thể xảy ra trong bất kỳ thời điểm nào. Bên cạnh đó, do các cơ quan Hải quan Việt Nam và Hải quan Hoa Kỳ chưa thiết lập được một hệ thống trao đổi thông tin tương tự như mạng ELVIS trước đây, nên các thương nhân có chủ ý gian lận rất dễ khai giá cao với Hải quan Việt Nam và khai giá thấp với Hải quan Hoa Kỳ để trốn thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ.

Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc giảm giá trung bình của mỗi Cat. nhập khẩu vào Hoa Kỳ và khả năng tăng đột biến lượng hàng xuất vào Hoa Kỳ. Vì vậy, công tác giám sát phải được quan tâm đúng mức, đặc biệt đối với các mặt hàng bị phía Hoa Kỳ giám sát là những mặt hàng có kim ngạch lớn chiếm 63,4% trị giá hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Hiện nay, để cập nhật thông tin và số liệu, Bộ Công Thương đang phối hợp cùng với Tổng cục Hải quan triển khai nối mạng để cung cấp số liệu chi tiết xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ như: số tờ khai Hải quan, loại hình kinh doanh, cửa khẩu xuất khẩu, mã HTS 10 số theo quy định của Hoa Kỳ, tên hàng, đơn vị tính, đơn giá, trị giá, mã ngoại tệ, mã đơn vị xuất nhập khẩu, địa chỉ, nguồn nhập khẩu...

Qua đó, Bộ có thể nắm số liệu xuất khẩu, điều hành 2 chiều phục vụ cho công tác giám sát và quản lý giá. Được biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường giám sát xuất khẩu thông qua theo dõi cấp C/O mẫu B của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam qua hệ thống eCosys.

Có được số liệu này, Bộ có cơ sở để rà soát, phát hiện sớm các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu bất thường, đột biến, giá giảm đột ngột. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, số liệu này chỉ là thông tin sau khi doanh nghiệp đã xuất hàng nên chỉ có thể coi là cơ sở để triển khai các công việc giám sát khác. Điều này đòi hỏi cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan.

Chính vì vậy, trong thời gian nối mạng chưa hoàn chỉnh, việc thành lập Tổ Kiểm tra cơ động nhằm kiểm tra, xử lý các thương nhân có nghi ngờ gian lận thương mại trong xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ, tiến tới các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường khác khi có nhu cầu. Theo kiến nghị của Bộ Công Thương, thành phần của Tổ Kiểm tra có sự tham gia của Vụ Xuất nhập khẩu, Vụ Công nghiệp và Tiêu dùng thực phẩm, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Chức năng và nhiệm vụ của Tổ Kiểm tra

Nhiệm vụ chính của Tổ Kiểm tra cơ động bao gồm: kiểm tra những doanh nghiệp có những lô hàng có giấu hiệu gian lận thương mại, vi phạm các quy định về xuất xứ hàng hoá, quy định về quản lý xuất nhập khẩu; kiểm tra doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về quy trình sản xuất, xuất khẩu số lượng tăng đột biến, hoặc đơn giá xuất khẩu quá thấp so với mức trung bình hoặc có dấu hiệu bán phá giá...; kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may của các doanh nghiệp. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may, Tổ sẽ báo cáo và kiến nghị các cơ quan hữu quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý.

Tổ Kiểm tra cơ động ra đời thể hiện bước chuyển mới trong cơ chế giám sát xuất khẩu hàng dệt may từ cơ chế quản lý “tiền kiểm” thông qua cấp giấy phép xuất khẩu theo kế hoạch xuất khẩu đăng ký sang cơ chế “hậu kiểm”, nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo giám sát, hạn chế các vi phạm và các lô hàng có đơn giá thấp và xử lý các doanh nghiệp vi phạm quy định.

Một doanh nghiệp dệt may khẳng định: “Việc kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp sẽ buộc các doanh nghiệp nhìn nhận và làm ăn nghiêm túc hơn, đồng thời lại khuyến khích các doanh nghiệp tự bảo vệ mình. Điều này sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp”.

Theo dự tính của Bộ Công Thương, năm 2010 xuất khẩu dệt may của Việt Nam sẽ đạt khoảng 10 - 12 tỷ USD và trở thành mặt hàng đứng đầu trong danh sách hàng xuất khẩu của cả nước. Chủ trương trên của Bộ Công Thương sẽ góp phần bảo vệ uy tín của hàng dệt may Việt Nam, đồng thời có thể giám sát, quản lý hàng dệt may xuất khẩu phát triển đúng hướng và phù hợp với thông lệ quốc tế.