10:08 01/05/2021

Thanh toán vốn đầu tư công quá thấp

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thanh toán vốn đầu tư công năm 2021 từ đầu năm đến ngày 31/3/2021 mới đạt 11,95% kế hoạch đặt ra và đạt 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu là do các bộ, ngành và địa phương vẫn đang tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn năm 2020 bị kéo dài sang năm 2021...

Vốn tồn 2020 làm chậm tốc độ giải ngân vốn của năm 2021
Vốn tồn 2020 làm chậm tốc độ giải ngân vốn của năm 2021

“Với mục tiêu phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2021 qua Kho bạc Nhà nước đạt 100%, hiện Kho bạc Nhà nước đang đẩy mạnh thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ cũng như nâng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến để tạo thuận lợi tối đa cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc thanh toán, giải ngân vốn đầu tư công...”, ông Nguyễn Đức Chi – Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước cho biết.

CHƯA GIẢI NGÂN ĐƯỢC VỐN VAY NƯỚC NGOÀI 

Trong Báo cáo gửi Thủ tưởng Chính phủ mới đây về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước thực hiện 3 tháng năm 2021, Bộ Tài chính cho biết tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt thấp.

Cụ thể, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/3/2021 là hơn 60.749 tỷ đồng, đạt 11,95% kế hoạch vốn thông báo (kế hoạch vốn thông báo là 508.258,88 tỷ đồng) và đạt 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (Thủ tướng giao thực hiện giải ngân 461.300 tỷ đồng trong cả năm 2021). Trong đó, vốn nước ngoài gần như chưa giải ngân được khi tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này của 3 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 0,66%...

 

Báo cáo của Kho bạc Nhà nước nêu danh một số bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao như: Thái Bình giải ngân đạt 43,24%, Bộ Công an giải ngân đạt 31,62%, Bắc Ninh giải ngân 30,2%, Hưng Yên giải ngân đạt 28,67%, Thanh Hóa giải ngân đạt 27,79%, Hà Nam giải ngân đạt 27,63%... Bên cạnh đó, có tới 31 bộ, ngành, cơ quan Trung ương chưa giải ngân được đồng nào trong kế hoạch vốn của năm 2021.

Nói về nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công, báo cáo của Bộ Tài chính cho là trong 3 tháng đầu năm 2021 các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đang phải tập trung giải ngân vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 do đó tỷ lệ giải ngân của năm 2021 còn thấp.

Ngoài ra, một số dự án lớn cũng đang phải thực hiện điều chỉnh các thủ tục đầu tư và các chủ đầu tư đang triển khai các công việc như xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công... nên cần nhiều thời gian để có khối lượng thanh toán.

Ngoài ra, báo cáo của Bộ Tài chính còn cho rằng nguyên nhân giải ngân chậm là do các khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa được giải quyết cũng đã tác động tới  tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm 2021.

Lý giải việc giải ngân vốn vay nước ngoài chỉ thực hiện được 0,66%, báo cáo đã chỉ ra những dự án sử dụng vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên dẫn đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án chậm. Hoạt động giải ngân do đó cũng ngưng trệ vì không phát sinh khối lượng hoặc nếu có khối lượng thì cũng chậm được xác nhận.

RÀ SOÁT LẠI VỐN NĂM 2021 CHƯA PHÂN BỔ 

Theo Bộ Tài chính, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2021 của các dự án, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát số vốn kế hoạch năm 2021 còn lại đến nay chưa phân bổ chi tiết của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án và tổng hợp toàn bộ danh mục dự án và số vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Khẩn trương hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án được giao kế hoạch trong năm 2021, triển khai thực hiện dự án ngay sau khi nhận được thông báo chi tiết kế hoạch vốn đầu tư.

Đối với các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thanh toán vốn các dự án ngay từ đầu năm.

 

Phần vốn kéo dài từ năm 2020 sang năm 2021 là 54.932 tỷ đồng. Đến hết tháng 3/2021 đã giải ngân được trên 2.392 đồng, bằng 4,4% kế hoạch vốn năm 2020 chuyển sang.

Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 và thực hiện nhập kế hoạch vốn trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc. Đối với chương trình mục tiêu quốc gia, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành chủ trì xây dựng chương trình đề xuất phương án bố trí kế hoạch vốn năm 2021 để báo cáo cấp có thẩm quyền phân bổ cho các địa phương triển khai thực hiện.

Đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thì Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản nhanh chóng xác nhận số vốn năm 2020 còn lại chưa giải ngân để làm thủ tục kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2021, đồng thời đề ra các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu... đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án. Các đơn vị chủ đầu tư phải lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực, có kinh nghiệm để triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, đồng thời cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án.

Về phía Kho bạc Nhà nước, để kịp thời hỗ trợ, thúc đẩy việc triển khai kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, từ nay đến cuối năm 2021, Kho bạc Nhà nước sẽ tập trung ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động nghiệp vụ, nâng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó, Kho bạc Nhà nước tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, quán triệt trong toàn hệ thống thực hiện nghiêm Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước... Qua đó, tạo thuận lợi tối đa cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong quá trình thanh toán, giải ngân vốn với Kho bạc Nhà nước.

 

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến hết tháng 3/2021 hệ thống đã giải ngân vốn đầu tư được 58.290,5 tỷ đồng, bằng 13,4% kế hoạch Thủ tướng giao kiểm soát chi qua Kho bạc (trên 434.797 tỷ đồng) cả năm 2021. Con số này không bao gồm vốn cấp thẳng qua Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các dự án cấp bằng lệnh chi tiền và phần cấp bù lãi suất qua Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội.