Tháo gỡ các “điểm nghẽn” để ngành công thương chuyển biến tích cực hơn
6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp chuyển biến chậm, chưa phục hồi hoàn toàn, doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn; kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước...
Chủ trì hội nghị “Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023”, ngày 7/7 của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chỉ ra những "điểm nghẽn" đối với sự phát triển của ngành công thương, đồng thời yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc, cầu thị và kịp thời có các giải pháp khả thi để khắc phục, tạo sự chuyển biến thực chất hơn trong thời gian tới.
SẢN XUẤT PHỤC HỒI CHẬM, XUẤT KHẨU CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế xã hội trong nước. Tuy nhiên, với sự tích cực, chủ động, nắm chắc tình hình và kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp đã phục hồi 98,8% so với cùng kỳ năm 2022. Có 48/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng. Về hoạt động thương mại, có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).
Thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 6 tháng đầu năm tăng 10,9% so với cùng kỳ, đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân, tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ quá trình phục hồi tổng cầu và phát triển kinh tế.
Dù vậy, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những vấn đề cần phải tập trung giải quyết.
Thứ nhất, 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn so với cùng kỳ, nhất là với đối với các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, đồ gỗ... Các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn, chi phí vốn tăng ảnh hưởng đến sự phục hồi của sản xuất.
Thứ hai, sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu chưa cao, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt.
Thứ ba, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu chung đều giảm so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp trong nước. Xuất khẩu sang các khu vực, thị trường lớn và kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ lực đều sụt giảm. Chưa tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.
Thứ tư, việc cung ứng điện gặp nhiều khó khăn, phải thực hiện điều hòa phụ tải và tiết giảm điện ở một số địa bàn vào thời điểm nắng nóng gay gắt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Thứ năm, công tác cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính còn chậm đổi mới. Công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu.
Trong khi đó, việc nắm tình hình, phân tích, dự báo và đề xuất, phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn bị động, chưa kịp thời. Công tác xây dựng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và thực hiện cải cách hành chính ở một số lĩnh vực, đơn vị còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Một số nhiệm vụ được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng mặc dù được đôn đốc nhiều lần.
"Đây là những “điểm nghẽn” đối với sự phát triển của ngành Công Thương thời gian qua. Vì vậy, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc, cầu thị và kịp thời có các giải pháp khả thi để khắc phục, tạo sự chuyển biến thực chất hơn trong thời gian tới", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
TRIỂN KHAI NHANH, ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP
Nhận định tình hình thế giới và khu vực thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định.
Do đó, để vượt qua các khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, kế hoạch đề ra như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 8-9%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, duy trì xuất siêu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 8-9%..., Lãnh đạo Bộ đề nghị các đơn vị trong ngành cần chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, nâng cao năng lực dự báo, phản ứng chính sách kịp thời để tham mưu, đề xuất các đối sách, giải pháp phù hợp, khả thi.
Đặc biệt, tập trung giải quyết các vướng mắc về vốn, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì tốt các chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả, đúng quy định, không để chậm chễ.
Chủ động phối hợp với các đơn vị và địa phương liên quan bám sát tiến độ, kịp thời tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc để sớm đưa vào vận hành các công trình, dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng, tính lan tỏa cao trong các lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản, logistics... nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới và tạo chủ động nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu, phát triển bền vững.
Khẩn trương phối hợp hoàn thành các thủ tục để sớm đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Hoàn thành xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8 và Chiến lược phát triển ngành điện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tích cực triển khai xây dựng Luật hóa chất, Luật phát triển công nghiệp, Luật Điện lực (sửa đổi), Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (sửa đổi), Luật phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp, chính sách xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải...
Tăng cường theo dõi, giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp đầu mối nghiêm túc thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo đúng số lượng, tiến độ. Mục tiêu chung là không được để thiếu điện, than, xăng dầu và khí đốt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong mọi tình huống.
Đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới nổi, thị trường ngách, có nhiều tiềm năng. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Chú trọng triển khai có hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại trong nước, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước còn nhiều tiềm năng; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả.