01:02 11/12/2024

Tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Huỳnh Dũng

Một trong số những điểm nghẽn lớn mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình chuyển đổi xanh là công nghệ. Song song đó, nguồn tài chính xanh cũng cần có những thay đổi để giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn. Do đó, bên cạnh những chính sách mang tính định hướng từ các cơ quan quản lý, rất cần sự đồng bộ, quan tâm từ toàn xã hội…

Phiên thảo luận: Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam lần thứ 3 (năm 2024). Ảnh: Việt Dũng
Phiên thảo luận: Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam lần thứ 3 (năm 2024). Ảnh: Việt Dũng

Ngày 10/12, tại Hà Nội, diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam lần thứ 3 (năm 2024) được Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với các đối tác đồng hành tổ chức.

Với chủ đề “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam- Từ Kế hoạch đến hành động”, diễn đàn gồm 1 phiên toàn thể và 3 hội thảo chuyên đề.

Nổi bật trong phiên thảo luận của diễn đàn, các chuyên gia cho rằng những điểm nghẽn đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế tuần hoàn và chưa thể thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và những giải pháp thử nghiệm mới.

Theo bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với riêng hoạt động công nghiệp, những điểm nghẽn chính mà thời điểm trước đây các doanh nghiệp gặp phải đã được giải quyết rất nhiều. Đặc biệt là những điểm nghẽn liên quan tới nhận thức hay các văn bản pháp quy. Riêng trong vấn đề vận động cho doanh nghiệp tham gia theo cơ chế tự nguyện thì hiện nay các đơn vị đã tự chuyển mình theo định hướng của Chính Phủ.

Qua quan sát từ thực tế, điểm nghẽn mà các doanh nghiệp đang loay hoay không biết cách làm đó là yếu tố công nghệ. Trong đó, các giải pháp công nghệ cần được công nhận, được chứng nhận rộng rãi và được đối xử bình đẳng. Ngoài ra, các giải pháp công nghệ cần phải được áp dụng thực tiễn vào các mô hình ở quy mô rộng như khu công nghiệp sinh thái.

 
Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

"Chúng ta rất mong chờ những công nghệ trong nước có thể được thương mại hoá rộng rãi, đem lại nguồn lợi cho doanh nghiệp để chính doanh nghiệp có thể nhìn nhận được những lợi ích đó họ sẽ tự triển khai.c

Cần có những giải pháp giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh chóng với thủ tục thuận lợi".  

Ngoài ra, một điểm nghẽn lớn mà nhiều doanh nghiệp đang đối mặt đó là vấn đề về tiếp cận các nguồn vốn. Thực tế chỉ ra các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất thích và quan tâm đến những chương trình về kinh tế tuần hoàn. Bản thân họ cũng tự ý thức được vai trò của việc thực hiện các giải pháp kinh tế tuần hoàn.

Tuy nhiên, những điều kiện và khả năng tiếp cận các nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thực sự là đang khó khăn. Mặc dù các ngân hàng cũng đã có những chương trình cung cấp riêng cho chuyển đổi xanh hay phát triển bền vững, song quy trình thủ tục và các luồng tiếp cận các nguồn vốn đó thực sự là rất khó khăn.

Do đó, muốn tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn vốn thì các ngân hàng cần xây dựng những quy trình thủ tục cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn trong thời gian ngắn. "Mặc dù nguồn vốn đó có thể không phải quá lớn nhưng vấn đề về thủ tục hành chính lẫn yếu tố về thời gian luôn đóng vai trò quan trọng đối với moi doanh nghiệp", đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Thanh Tùng, Thành viên Hội đồng quản trị VietinBank, cho rằng hiện nay các hành lang pháp lý được ban hành tương đối đồng bộ. Tuy nhiên, so với thông lệ và nhu cầu thực tiễn thì vẫn có đó những khoảng cách.

Qua quá trình triển khai thực tế, đại diện VietinBank cho biết có 3 yếu tố quan trọng giúp cho ngân hàng cũng như các doanh nghiệp có thể triển khai thành công được.

Đầu tiên đó là vấn đề nhận thức. Bởi chỉ khi doanh nghiệp nhận thức được chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn là vấn đề quan trọng thì chính các doanh nghiệp sẽ tự chủ động xây dựng chiến lược cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp.

Ông Lê Thanh Tùng, Thành viên Hội đồng quản trị VietinBank, tin tưởng với sự quan tâm của xã hội kết hợp với những chính sách định hướng của các cơ quan quản lý thì việc chuyển đổi xanh của Việt Nam sẽ sớm thành công. Ảnh: Việt Dũng
Ông Lê Thanh Tùng, Thành viên Hội đồng quản trị VietinBank, tin tưởng với sự quan tâm của xã hội kết hợp với những chính sách định hướng của các cơ quan quản lý thì việc chuyển đổi xanh của Việt Nam sẽ sớm thành công. Ảnh: Việt Dũng

Thứ hai, khả năng hợp tác để triển khai theo thông lệ như vấn đề quản trị, công nghệ hay đội ngũ nhân sự… Theo chia sẻ của đại diện VietinBank, ngân hàng này không chỉ ban hành những gói hỗ trợ để dễ dàng doanh nghiệp tiếp cận kinh tế tuần hoàn hay chuyển đổi xanh mà còn có những gói ưu đãi về lãi suất và phí. Đây chính là những khách hàng bền vững trong tương lai nên ngân hàng đã chủ động hướng đến những nhóm đối tượng này.

Tuy nhiên, để có được đáp ứng được những yêu cầu cần có thêm những giải pháp đồng bộ từ các cơ quan quản lý. Khi doanh nghiệp có được những tiêu chuẩn, tiêu chí sẽ chủ động tìm đến với các ngân hàng. Từ đó các ngân hàng cũng có cơ sở để tư vấn, đồng hành với doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp chuyển dịch nhanh hơn.

Thứ ba, bên cạnh những định hướng từ cơ quan quản lý thì sự quan tâm của xã hội cũng đóng vai trò rất lớn. Chính nhờ sự quan tâm này, kết hợp với sự đồng bộ của các cơ quan quản lý thì chắc chắn trong tương lai Việt Nam sẽ có những bước tiến tích cực trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.