Thay đổi nhân sự quản trị và điều hành, OGC báo lãi trăm tỷ đồng năm 2022
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 và hoàn thiện báo cáo cả năm 2022 với đà tăng trưởng đột biến so với năm 2021...
Năm vừa qua, doanh thu của OGC tăng hơn gấp đôi từ 409 tỷ lên 1.011 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế từ mức âm 276 tỷ đồng trở lại con số dương, đạt 115 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 109% kế hoạch doanh thu và 212% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của OGC đạt lần lượt là 2.993 tỷ đồng và 1.067 tỷ đồng.
Điểm nhấn năm trước của công ty không chỉ là hoàn thành vượt xa kế hoạch năm, mà còn ở việc giải quyết hết những nút thắt tồn đọng liên quan đến quản trị, số liệu và hoạch định chiến lược phát triển trong tương lai.
Phiên họp Đại hội đồng cổ đông giữa năm 2022 đã thông qua việc rà soát lại toàn bộ báo cáo tài chính sau khi đa số các thành viên Hội đồng Quản trị và Bban điều hànhcũ từ nhiệm. Theo đó, OGC đã chuyển hầu hết các khoản nợ xấu (khoảng 2.500 tỷ đồng) từ bảng cân đối ra theo dõi ngoại bảng để tiếp tục triển khai các biện pháp thu hồi theo đúng quy định của pháp luật. Báo cáo kiểm toán năm 2021 của OGC khi được phát hành là một báo cáo với những con số không mang nhiều sắc thái tích cực nhưng đã phản ánh chân thực, rõ ràng và thể hiện toàn bộ hiện trạng thực tế của doanh nghiệp.
Năm 2022, sau nhiều thăng trầm, những xung đột về quản trị và điều hành tại OGC đã được thu xếp ổn thỏa với đại đa số các thành viên Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát (“BKS”) tại OGC và toàn bộ các công ty thành viên được thay mới.
Các chỉ số tài chính trên Báo cáo tài chính năm 2022 của OGC cũng được cải thiện một cách vượt trội so với năm 2021. Trong đó, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu từ âm 53% tăng lên thành dương 11%; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu từ âm 27% tăng lên thành dương 11%; ROA từ âm 8,4% tăng lên thành dương 2%; ROE từ âm 25% tăng lên thành dương 5,8%.
Ngoài việc xử lý các khoản tồn đọng, báo cáo của OGC cũng thể hiện “của để dành” của doanh nghiệp, với quỹ đất có vị trí đắc địa chưa được khai thác, như: Dự án 25 Trần Khánh Dư, Hoàn Kiếm, Hà Nội với chức năng trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn căn hộ với diện tích 5450m2; Dự án tòa nhà văn phòng hạng A, 25 tầng tại số 106 đường 3-2, phường 14, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 5.620m2; Dự án khách sạn StarCity Westlake Hotel số 10 Trấn Vũ, Ba Đình, Hà Nội; hay Dự án khu phức hợp Sài Gòn Airport Plaza...
Đối với mảng khách sạn, OGC thông qua OCH đang sở hữu hai thương hiệu khách sạn mang tầm cỡ quốc tế 4-5 sao là StarCity và Sunrise với 2 khách sạn tại thành phố Nha Trang chứa đựng nhiều triển vọng cùng với tiềm năng khai thác kinh doanh hiệu quả khi du khách Trung Quốc bắt đầu đi du lịch trở lại từ đầu năm 2023.
“Năm 2023 được đánh giá là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đến từ bên ngoài và trong nội tại nền kinh tế nhưng giai đoạn khó khăn nhất với OGC đã qua”, bà Lê Thị Việt Nga, Chủ tịch Hội đồng Quản trị OGC, đánh giá về triển vọng năm nay.
Theo người đứng đầu Hội đồng Quản trị OGC, trong giai đoạn 8 tháng cuối năm 2022, Ban điều hành và các công ty con của tập đoàn đã nỗ lực vượt bậc để khôi phục lại doanh nghiệp và đến nay đã hoàn thành giai đoạn một của quá trình “vực dậy”.
“Mặc dù cổ phiếu OGC có những đợt tăng giá đột biến nhưng Hội đồng Quản trị và Ban điều hành không định hướng điều này với truyền thông vì việc tái cấu trúc và cải thiện hiệu quả hoạt động không phải là điều có thể thực hiện được trong một vài tháng, thậm chí phải tính hàng năm”, Chủ tịch OGC chia sẻ. Theo đó, yếu tố then chốt đối với OGC là một cơ cấu cổ đông có chọn lọc, chất lượng, và hệ thống Ban điều hành tinh nhuệ được đề cử vào điều hành.
“Tính đến thời điểm này, có thể nói giai đoạn một của quá trình xoay chuyển OGC đã hoàn thành và thể hiện qua số liệu báo cáo tài chính cả năm 2022”, Chủ tịch OGC nhận định.
Giai đoạn hai với OGC, theo bà Nga, sẽ được thực hiện trong năm 2023 và 2024, với việc đẩy mạnh công tác triển khai cấp phép cho các dự án đã có quỹ đất và thủ tục đang ở giai đoạn gần hoàn thiện.
Đồng thời, tập đoàn cũng đẩy mạnh hiệu suất kinh doanh mảng khách sạn bằng cách chuyển nhượng các dự án khách sạn Starcity, Sunrise về trực thuộc OGC để quản trị điều hành. Chiến lược của OGC là sẽ tìm kiếm và mua thêm các thương hiệu FMCG có lịch sử lâu đời, hiệu quả cao cùng với Bánh Givral và Kem Tràng Tiền để xây dựng FMCG thành một ngành kinh doanh cốt lõi.
“Định hướng trong giai đoạn hai, OGC quay trở lại đường đua để được ghi nhận lại với tư cách một tập đoàn kinh doanh hiệu quả trong top dẫn đầu”, Chủ tịch OGC nhận định.
Ngoài mục tiêu về kinh doanh, năm nay, OGC cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động quan hệ với nhà đầu tư (IR) để chia sẻ kỹ càng và nhanh chóng hơn tới các cổ đông về tình hình hoạt động kinh doanh và kết quả thực hiện.
Một loạt các hoạt động tái cơ cấu của OGC và các công ty con sẽ được thực hiện để công ty không bị phụ thuộc doanh thu, lợi nhuận vào bất kỳ công ty nào mà có thể chủ động điều phối và quản trị từng tài sản một cách hiệu quả nhất. Trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới, Hội đồng Quản trị OGC sẽ báo cáo cụ thể từng thành tựu đã đạt được và mục tiêu mà OGC sẽ hướng tới vào năm 2024.