Thấy gì từ 1 triệu thuê bao đã rời mạng?
Nhìn vào con số cụ thể về thuê bao chuyển đến chuyển đi của từng nhà mạng mới thấy dịch vụ này đang đem lại nhiều cảm xúc đối lập
Tổng số thuê bao di động rời mạng tính đến ngày 22/10/2019 là 1.014.762, số liệu được Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố.
Con số tuyệt đối trên nếu so với tỷ lệ thuê bao chuyển mạng trên thế giới (theo dẫn chứng của Cục Viễn thông tại buổi họp báo về triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số (MNP), do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 13/11/2018 tại Hà Nội) là khoảng dưới 5% (theo chu kỳ năm), thì tỷ lệ thuê bao rời mạng sau khi dịch vụ MNP được áp dụng (từ 16/11/2018 đối với thuê bao trả sau, và từ 1/1/2019 cho cả trả sau và trả trước) tại Việt Nam là rất thấp.
Theo số liệu của Cục Viễn thông, hiện tổng số thuê bao di động của cả nước là 129,3 triệu thuê bao. Như vậy, tỷ lệ thuê bao "tìm bến đỗ mới" mới chỉ đạt khoảng 0,78%, dù thời gian triển khai dịch vụ MNP cũng đã sắp được một năm. Tỷ lệ trên cũng cho thấy người dùng dịch vụ viễn thông di động tại Việt Nam là tương đối ổn định và không quá mặn mà với việc đổi mạng.
Tuy nhiên, khi nhìn vào con số cụ thể về thuê bao chuyển đến chuyển đi của từng nhà mạng mới thấy dịch vụ này đang đem lại nhiều cảm xúc đối lập.
VinaPhone-VNPT là mạng di động duy nhất có được con số dương trong cuộc chơi MNP. Tính đến ngày 22/10, mạng này có 405.424 thuê bao chuyển đến thành công, trong khi chuyển đi thành công là 328.855, tức là VinaPhone đang lãi 76.569 thuê bao. Một nguồn tin từ nhà mạng này cho rằng, số thuê bao chuyển đến trên đang đem về cho nhà mạng khoảng 10 tỷ đồng/tháng.
Hai mạng lớn còn lại là Viettel và MobiFone đều có số thuê bao chuyển mạng âm. Cụ thể với MobiFone, trong khi số thuê bao chuyển đến thành công tính tới thời điểm trên là 171.245, còn chuyển đi thành công là 177.585, nghĩa là nhà mạng này đang âm 6.340 thuê bao. Trong khi đó Viettel thì âm tới 15.764 thuê bao, bởi số thuê bao chuyển đi thành công là 453.014, còn chuyển đến thành công là 437.250 thuê bao.
Thiệt hại nặng nhất là Vietnamobile. Nhà mạng này mới chỉ chính thức tham gia MNP từ 1/1/2019 nhưng đến ngày 22/10, Vietnamobile bị âm đến 54.463 thuê bao. Theo đó, số thuê bao chuyển đi thành công của nhà mạng là 55.308, trong đó số chuyển đến thành công lại nhỏ giọt với 845 thuê bao (tỷ lệ chuyển đến thành công rất thấp, chỉ 19,1% so với tổng số 4.418 thuê bao từ các nhà mạng khác đăng ký chuyển đến).
Số thuê bao Vietnamobile đăng ký chuyển đi (89.240) và số thuê bao chuyển đi thành công như trên mặc dù thấp hơn khá nhiều so với các nhà mạng lớn nhưng khổ nỗi tỷ lệ thuê bao đăng ký chuyển đến và chuyển đến thành công lại vô cùng thấp - trung bình mỗi tháng chỉ có 84 thuê bao mạng khác chuyển đến Vietnamobile.
Cảm xúc trái ngược giữa mạng nhỏ Vietnamobile với các mạng lớn còn thể hiện ở chỗ, khi mà tỷ lệ thuê bao chuyển đến chuyển đi được dung hòa và không có quá nhiều chênh lệch, các tháng có thể cân bù, gánh đỡ cho nhau, nhưng ở Vietnamobile tỷ lệ âm tịnh tiến vững chắc qua từng tháng.
Thậm chí khoảng cách tỷ lệ chuyển đến và chuyển đi qua từng tháng ngày càng doãng ra. Mỗi ngày mới Vietnamobile lại mất đi hơn 181 thuê bao, nhiều hơn 2 lần so với số thuê bao chuyển đến nhà mạng này tính theo tháng.
Do có tổng số thuê bao thấp (khoảng 4,5 triệu thuê bao) nên số lượng thuê bao chuyển đi thành công như trên của Vietnamobile đã,đang và tiếp tục tác động những khó khăn không nhỏ đối với nhà mạng này. Đó cũng là lý do đầu tháng 8/2019, Vietnamobile đã có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị tạm dừng cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số, tuy nhiên đến nay đề nghị của Vietnamobile chưa được chấp thuận.