10:19 02/03/2015

Thấy gì từ việc Trung Quốc bất ngờ hạ lãi suất?

Diệp Vũ

“Chính phủ Trung Quốc thừa nhận rằng nền kinh tế nước này đã bước vào một chu kỳ giảm tốc”

Mặt ngoài của tòa nhà trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tại Bắc Kinh - Ảnh: Reuters/WSJ.<br>
Mặt ngoài của tòa nhà trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tại Bắc Kinh - Ảnh: Reuters/WSJ.<br>
Theo tờ Wall Street Journal, việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) bất ngờ cắt giảm lãi suất vào cuối tuần vừa rồi cho thấy Bắc Kinh ngày càng quyết liệt trong việc phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Động thái này cũng là một dấu hiệu cho thấy, PBoC đang lo ngại về hàng loạt vấn đề gây thách thức đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hiện nay: thị trường bất động sản sa sút, các dòng vốn rời đi khiến các ngân hàng phải thắt chặt cho vay, và rủi ro giá cả giảm có khả năng khiến chi phí vay vốn gia tăng đối với các doanh nghiệp.

Được công bố vào hôm thứ Bảy vừa rồi, động thái hạ lãi suất của PBoC khiến không ít nhà phân tích ngạc nhiên. Động thái này diễn ra ngay trong tuần đầu tiên các công sở Trung Quốc làm việc trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và trước thềm kỳ họp Quốc hội Trung Quốc khai mạc tuần này.

“Đây là đợt cắt giảm lãi suất rất bất thường vì diễn ra chỉ một tuần sau kỳ nghỉ”, chuyên gia kinh tế Li Huiyong thuộc công ty Shenyin & Wanguo Securities, nhận định.

Theo ông Li, “Chính phủ Trung Quốc hy vọng sẽ cải thiện được niềm tin của các doanh nghiệp và thừa nhận rằng nền kinh tế nước này đã bước vào một chu kỳ giảm tốc”.

Kỳ họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc sẽ khai mạc vào ngày mai (3/3), với một loạt mục tiêu chính sách sẽ được công bố. Năm ngoái, tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm tốc còn 7,4%, thấp nhất trong gần 1/4 thế kỷ. Giới chuyên gia kinh tế dự báo, Bắc Kinh sẽ hạ mục tiêu tăng trưởng của năm nay xuống còn khoảng 7%.

Theo nhận định của một số nhà phân tích, trong thời gian tới, Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng bằng cách cắt giảm thêm lãi suất và chi thêm tiền cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Tuy vậy, nhiều quan chức và chuyên gia đã cảnh báo về rủi ro của những biện pháp này.

Nới lỏng quá mạnh có thể làm gia tăng mức nợ vốn đã cao tại các công ty và địa phương của Trung Quốc, đồng thời khiến các kế hoạch giảm nợ, giảm tình trạng dư thừa công suất và tăng hiệu quả của các doanh nghiệp quốc doanh bị trì hoãn.

Vì những mối lo này, trong phần lớn thời gian của năm ngoái, Thống đốc PBoC Chu Tiểu Xuyên tập trung vào các biện pháp có tác dụng trong phạm vi nhất định, thay vì những biện pháp diện rộng như hạ lãi suất. Tuy vậy, theo một số quan chức của PBoC, cơ quan này đang chịu sức ép từ Chính phủ buộc phải hạ chi phí cho vay cho các doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng.

Tháng 11/2014, PBoC có động thái hạ lãi suất đầu tiên sau hai năm. Tiếp đó, vào tháng trước, PBoC tiếp tục hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để tăng cường năng lực cấp vốn tín dụng của các ngân hàng.

Trong lần hạ lãi suất mới nhất, lãi suất được hạ 0,25 điểm phần trăm đối với các khoản vay kỳ hạn 1 năm, còn 5,35%, và cả tiền gửi kỳ hạn 1 năm, còn 2,5%.

Trong tuyên bố hạ lãi suất, PBoC nói rằng, nguy cơ giảm phát đã dẫn tới động thái này. Theo PBoC, giá hàng hóa cơ bản giảm trên toàn cầu đã tạo dư địa để thúc đẩy tăng trưởng thông qua hạ lãi suất.

Dưới áp lực giảm phát, nhiều nền kinh tế lớn của thế giới, bao gồm Trung Quốc, Eurozone và Nhật Bản đang phải nới lỏng chính sách. Trái lại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang tiến tới tăng lãi suất do nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi tích cực.

Một câu hỏi lớn đặt ra lúc này là liệu người tiêu dùng và các công ty Trung Quốc sẽ tranh thủ mức lãi suất thấp hơn để tăng cường đầu tư và mua sắm hay tiếp tục “thắt lưng buộc bụng” trong bối cảnh tăng trưởng giảm tốc? Các nhà sản xuất Trung Quốc đang đối mặt với một giai đoạn khó khăn khi nhu cầu giảm tốc cả ở thị trường trong và ngoài nước trong khi tình trạng dư thừa công suất vẫn chưa được giải quyết.

Thống kê công bố hôm qua (1/3) cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của Trung Quốc, một thước đo niềm tin của lĩnh vực sản xuất, đã giảm thứ hai liên tiếp trong tháng 2 vừa qua.

Một trong những ngành khát vốn nhất ở Trung Quốc hiện nay là ngành bất động sản. Lĩnh vực địa ốc của nước này đã gặp khó suốt nhiều năm nay, trở thành một rào cản lớn đối với tăng trưởng. Tháng 2 vừa qua, giá nhà mới trung bình ở Trung Quốc giảm 3,8% so với cùng kỳ năm, so với mức giảm 3,1% trong tháng 1 và 2,7% trong tháng 12/2014.