Việt Nam nhận "thẻ vàng" thủy sản, vì sao nên nỗi?
Nếu không thực hiện các yêu cầu của EU, thủy sản Việt Nam có thể bị cấm xuất khẩu vào thị trường này
Toàn ngành thủy sản Việt Nam đang bàng hoàng vì thông tin Liên minh Châu Âu (EU) vừa công bố "giơ thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.
Nếu trong 6 tháng tới, Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu mà EU đưa ra, thì nguy cơ sẽ bị "giơ thẻ đỏ", tức là cấm hoàn toàn việc xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU.
Hậu quả lớn hay nhỏ?
Chiều tối 25/10 tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã họp báo khẩn, chính thức phát đi thông tin nói trên, liên quan tới nạn đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý (IUU).
Theo đó, trong thời gian từ đầu năm đến cuối 10/2017, hoạt động xuất khẩu hải sản của Việt Nam và EU vẫn diễn ra bình thường, nhưng các lô hàng sẽ bị tăng tần suất kiểm tra hồ sơ nguồn gốc sản phẩm khai thác nhập khẩu lên đến 100% các lô hàng.
Như vậy sẽ dẫn đến thời gian lưu kho tăng, phát sinh chi phí kiểm tra, chi phí lưu kho đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU.
Theo quy trình, sau khoảng 6 tháng nữa, tức là đến ngày 23/4/2018, khi có kết quả của đoàn kiểm tra của Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản của Uỷ ban Châu Âu (DGMARE) về việc triển khai các quy định về IUU của EU, sẽ có ba khả năng xảy ra với Việt Nam.
Một, nếu Việt Nam triển khai đầy đủ, toàn bộ các quy định của Uỷ ban Châu Âu (EC) với các minh chứng cụ thể thì tình trạng cảnh báo sẽ được dỡ bỏ.
Hai, nếu việc triển khai các qui định của EU về IUU có tiến bộ, EC có thể gia hạn để hoàn thiện các nội dung còn thiếu.
Ba, trong trường hợp cảnh báo của EC không được thực hiện, triển khai không hiệu quả, EC sẽ ban hành biện pháp "thẻ đỏ".
Ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện đã có 25 quốc gia, vùng lãnh thổ từng bị EC áp dụng biện pháp trừng phạt như trên, trong đó có 6 quốc gia bị "thẻ đỏ".
Thông tin thủy sản Việt Nam bị EC giơ "thẻ vàng" đang khiến không chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang EU mà cả ngư dân và người nuôi trồng thủy sản đều lo lắng. Bên cạnh sự lúng túng của hầu hết các doanh nghiệp, thì cũng có ý kiến đề cập đến vai trò và trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng, mà cụ thể là Tổng cục Thủy sản.
Bởi, đại diện EC đã vào Việt Nam kiểm tra, làm việc với Tổng cục Thủy sản từ lâu, nhưng Tổng cục Thủy sản rất ít đưa ra các thông tin, cũng như ít có chỉ đạo, khuyến cáo các doanh nghiệp.
Chỉ đến một vài tháng gần đây, khi nhận thấy EU sẽ có động thái, thì Tổng cục Thủy sản mới cung cấp thông tin cho báo chí về việc EC sang kiểm tra.
Liệu có kịp "chặn"?
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Ngọc Oai trấn an: "Lệnh rút thẻ vàng của EU bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/10 chỉ áp dụng đối với hải sản khai thác từ biển chứ không phải cả với thủy sản nuôi trồng. Trong khi đó, tỷ lệ hải sản đánh bắt của Việt Nam xuất sang EU hiện nay rất thấp, chỉ chiếm có 5,1%".
Tuy nhiên, nói như ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản: "EU là thị trường mà mỗi khi đã bị "giơ thẻ vàng", các nước xuất khẩu thủy sản vào thị trường này sẽ vô cùng khó khăn để mở cửa trở lại. Vì vậy, đây là vấn đề không thể xem thường".
Ông Nguyễn Ngọc Oai cho biết, giải pháp mà Tổng cục Thủy sản Việt Nam sẽ gấp rút triển khai là sớm báo cáo Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác bất hợp pháp, trang bị thiết bị theo dõi hành trình cho tàu cá, tổ chức đoàn đàm phán để EU hiểu và ghi nhận các nỗ lực của Việt Nam, tiến tới đề nghị EU rút lại "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ thành lập tổ công tác liên ngành do lãnh đạo Bộ là tổ trưởng với sự tham gia của các bộ, ngành, hội, hiệp hội có liên quan để chỉ đạo, điều phối triển khai các biện pháp khắc phục thẻ vàng của EU. Tiếp tục biên dịch Luật Thủy sản sửa đổi.
Ngay sau khi Luật Thủy sản sửa đổi được Quốc hội thông qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ khẩn trương xây dựng các văn bản dưới luật để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật Thủy sản sửa đổi nhằm đáp ứng được khung pháp lý về quản lý nghề cá theo yêu cầu của EU...