19:08 08/04/2024

Thị trường chứng khoán Việt Nam đón đầu làn sóng tăng trưởng mới

Vân Nguyễn

Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường chứng khoán sẽ phục hồi tích cực từ quý 2/2024 khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn khai thác nguồn nhân lực hướng đến chiều sâu. Thị trường có triển vọng được nâng hạng, vốn FDI tăng, lãi suất giảm và dòng tiền của nhà đầu tư đổ vào kênh dẫn vốn này…

Các chuyên gia thảo luận về thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024
Các chuyên gia thảo luận về thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024

Tại hội thảo với chủ đề: “Đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới” do Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức, các chuyên gia cho rằng năm 2024, ngành chứng khoán có nhiều động lực để phát triển. Thị trường chứng khoán bước vào chu kỳ tăng trưởng mới trong 5 năm tới (2024 - 2028).

Những phân tích được đưa ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những triển vọng được nâng hạng và đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI mới. Lãi suất hiện tại đã giảm mạnh sau pha thắt chặt tiền tệ năm 2022 để kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Ngân hàng Nhà nước. Dòng tiền vào thị trường chứng khoán được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng khi chi phí đầu tư thị trường chứng khoán giảm.

TRIỂN VỌNG NÂNG HẠNG

Phân tích về thị trường chứng khoán khu vực, ông Johan Huang, Chuyên gia Kinh tế và Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán Yuanta Đài Loan, nhận định: “Với vĩ mô toàn cầu thì khả năng phục hồi sẽ là từ khoá chính trong năm nay”.

Minh chứng cho điều này, ông Johan Huang cũng đưa ra nhiều dẫn chứng từ thị trường kinh tế Mỹ với chính sách lãi suất và thị trường trái phiếu. Theo đó, dự báo tăng trường GDP của Mỹ sẽ cao hơn mức bình quân trong dài hạn cũng như lãi suất dự báo của FED sẽ “ôn hoà” hơn. Đồng thời, lợi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ cũng đang ở mức 4,29% - 4,63% đang rất hợp lý trong kỳ hạn 10 năm.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Mathew Smith, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng VN-Index đang giao dịch, tương ứng với mức P/E 2024 là 12x - dù không còn là thị trường rẻ nhất châu Á nhưng mức định giá này vẫn khá hấp dẫn.

Đồng thời, việc thúc đẩy các giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán có thể là chất xúc tác. Thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng vượt trội so với các thị trường khác trong khu vực.

“Trong quý 1/2024, VN-Index tăng trưởng vượt trội 11,3% so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Bangladesh… dù Việt Nam đồng bị mất giá”, ông Matthew Smith cho biết thêm.

Bên cạnh đó, tỷ lệ đòn bẩy ký quỹ (cho vay ký quỹ/vốn hóa thị trường) đạt mức 7,3% vào cuối năm 2023, cao thứ 2 trong lịch sử nhưng tổng giá trị cho vay ký quỹ chỉ tương đương tổng giá trị giao dịch trong 9 ngày giao dịch của quý 4/2023, không quá cao so với các mốc lịch sử trong quá khứ.

Về mặt nội tại, chuyên gia Yuanta nhận xét Việt Nam có những nền tảng cơ bản hấp dẫn tạo triển vọng tươi sáng trong dài hạn. Những lợi ích kinh tế đến từ cơ cấu dân số trẻ sẽ còn được phản ánh trong thập kỷ tới. Cùng với đó, sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và tốc độ đô thị hóa cao là triển vọng vững chắc cho nhu cầu nội địa.

Dòng vốn FDI bùng nổ sẽ biến Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu sản phẩm sản xuất tiếp theo. Trong thời gian tới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng khi áp dụng hệ thống KRX và bước vào một chu kỳ tăng trưởng vững chắc hơn.

ÁP LỰC TỶ GIÁ MANG TÍNH MÙA VỤ

Theo PGS,TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, khả năng hồi phục của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 với khá nhiều thuận lợi từ kinh tế vĩ mô toàn cầu. Cụ thể như dịch chuyển cơ cấu lao động đang giúp nền kinh tế Việt Nam có bước phục hồi nhanh chóng.

Tuy nhiên, ông Huân cũng cho rằng yếu tố khó khăn chủ yếu trong sự phục hồi của nền kinh tế hiện nay chính là tỷ giá, bên cạnh đó là việc huy động dẫn đến tăng trưởng âm trong tín dụng của quý 1/2024 cũng đang là một yếu tố tiêu cực.

Trên thực tế, giá USD trong các ngân hàng hiện đã vượt mốc 25.100 đồng, trong khi giá USD trên thị trương tự do duy trì ở mức cao quanh 25.500 đồng/USD.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nhận định tỷ giá đang chịu áp lực tăng trong quý 1/2024 và những ngày qua do ảnh hưởng bởi đồng USD mạnh lên trên thị trường quốc tế, nhu cầu nhập khẩu tăng và lượng kiều hối không còn về nhiều như giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm nay.

Trong kịch bản dự báo, tỷ giá có thể tăng tới 4 - 5% ở một số thời điểm, nhưng áp lực tỷ giá chỉ tăng trong ngắn hạn khi nhiều yếu tố vĩ mô tích cực hỗ trợ.

Xuất nhập khẩu phục hồi tích cực trong quý 1/2024. Tuy nhiên, khi nhập khẩu phục hồi thì nhu cầu dùng ngoại tệ cũng tăng đột biến trong ngắn hạn, gây áp lực lên cán cân thanh toán. Tỷ giá chịu áp lực tăng trong quý 1 nhưng dự báo sẽ hạ nhiệt dần vào quý 2, trước khi tiếp tục biến động trong quý 3… nên sẽ mang tính chất mùa vụ hơn.

Theo ông Huân, nếu nhìn toàn diện, Việt Nam vẫn là nước xuất siêu, giải ngân vốn FDI và kiều hối nên áp lực tỷ giá sẽ không quá lớn. Với bối cảnh hiện tại, Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp thị trường bằng cách bán ngoại tệ ra hoặc tăng lãi suất.

Nhưng việc đảo chiều chính sách tiền tệ bằng cách tăng mạnh lãi suất sẽ không xảy ra trong năm nay. Với thị trường chứng khoán, thường tỷ giá phải biến động trong dài hạn mới ảnh hưởng tiêu cực.

Chưa kể, nếu nhìn vào chính sách tiền tệ sẽ thấy chỉ Việt Nam nới lỏng để hỗ trợ kinh tế phục hồi, trong khi các nước trên thế giới nhất là Mỹ vẫn đang áp dụng chính sách thắt chặt. Do đó, nếu các nước chuyển sang nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất sẽ hỗ trợ tích cực hơn nữa cho kinh tế Việt Nam, hỗ trợ cho thị trường chứng khoán đi lên.