21:04 03/06/2019

Thị trường đỏ lửa, khối ngoại mua ròng 3 tỷ đồng

Thủy Tiên

Tuy nhiên, nếu loại đi giao dịch thỏa thuận của mã SBT thì khối ngoại thực chất mua ròng khoảng 140 tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm nay

Phiên giao dịch đầu tháng 6 tiếp tục có những diễn biến tiêu cực.
Phiên giao dịch đầu tháng 6 tiếp tục có những diễn biến tiêu cực.

Càng về cuối phiên, áp lực lên thị trường càng gia tăng đã khiến mốc 940 điểm bị đe dọa. Mặc dù sau đó đà giảm thu hẹp nhưng VN-Index vẫn phải chia tay với mốc 950 điểm.

Theo đó, kết thúc phiên giao dịch 3/6, VN-Index đóng cửa giảm 13,41 điểm (1,40%) xuống 946,47 điểm; HNX-Index giảm 1,07 điểm (1,03%) xuống 103,27 điểm và UpCom-Index cũng giảm 0,32 (0,59%) xuống 54,80 điểm.

Độ rộng thị trường tiêu cực với 421 mã giảm/186 mã tăng và 136 mã giữ giá tham chiếu. Khối lượng giao dịch đạt 229 triệu đơn vị, tương ứng 5.051 tỷ đồng.

Trong khi thị trường đỏ lửa, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng nhẹ 3,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu loại đi giao dịch thỏa thuận 144 tỷ đồng của mã SBT thì khối ngoại thực chất mua ròng khoảng 140 tỷ đồng.

Cụ thể, trên sàn HSX, khối ngoại mua vào với khối lượng gần 14 triệu đơn vị, giá trị 697 tỷ đồng và bán ra với khối lượng 18 triệu đơn vị, giá trị 705 tỷ đồng. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 4,1 triệu đơn vị, giá trị 7 tỷ đồng.

Ở chiều bán, SBT dẫn dầu danh sách với giá trị lên tới 142,3 tỷ đồng. Các mã khác cũng bị bán ròng mạnh gồm VNM với 17,7 tỷ đồng; PHR với 12 tỷ đồng; PVD với 11,9 tỷ đồng; HDC với 5,1 tỷ đồng…

Ở chiều mua, HPG tiếp tục được mua ròng mạnh nhất với 26,9 tỷ đồng. Tiếp sau là BVH với 24,8 tỷ đồng. Bộ đôi họ Vin gồm VIC và VRE cũng lần lượt được mua ròng 19,4 tỷ đồng và 12,6 tỷ đồng.

Trên HNX, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 3 liên tiếp với 495 nghìn cổ phiếu, tương ứng giá trị 13,5 tỷ đồng.

Bên mua giải ngân nhẹ vào mã TNG với 1,8 tỷ đồng. Trong khi bán ròng PVS 15 tỷ đồng. Đây cũng là hai mã duy nhất ở cả chiều mua và bán có giá trị ròng trên 760 triệu đồng.

Trên UpCom, khối ngoại cũng có phiên mua ròng thứ 3 liên tiếp với 219 nghìn cổ phiếu, tương ứng giá trị 23,7 tỷ đồng. Trong đó, mua mạnh VTP với 11 tỷ đồng; VEA với 10,8 tỷ đồng; ACV với 1,8 tỷ đồng.

Ngược lại, dù bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất nhưng BSR cũng chỉ dừng ở mức 1 tỷ đồng.