Thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức
2024 mặc dù đánh dấu một năm đầy khởi sắc của thương mại điện tử nhưng thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, niềm tin của người tiêu dùng với chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi và bảo mật thông tin cá nhân vẫn còn là rào cản với sự phát triển của lĩnh vực này...

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2024 đạt trên 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các phương thức mua sắm trực tuyến.
CÁC MÔ HÌNH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ NỔI BẬT
Năm 2024 chứng kiến sự phát triển đa dạng của các mô hình thương mại điện tử tại Việt Nam. Trong đó Sàn giao dịch thương mại điện tử (Marketplace) vẫn chiếm vị trí nổi bật. Các nền tảng lớn như Shopee, Lazada, Tiki và Sendo tiếp tục dẫn đầu, chiếm lĩnh phần lớn thị phần nhờ khả năng cung cấp sản phẩm đa dạng, giá cả cạnh tranh và dịch vụ vận chuyển nhanh chóng.
Trong khi đó, TikTok Shop nổi lên như một đối thủ đáng gờm, kết hợp giữa yếu tố mạng xã hội và mua sắm trực tuyến. TikTok Shop đã thu hút hàng triệu người dùng nhờ trải nghiệm mua sắm qua livestream, tạo ra một làn sóng mới trong cách tiêu dùng.
Bên cạnh các sàn thương mại điện tử, Thương mại điện tử xã hội (Social Commerce) cũng là mô hình có nhiều “đất diễn” cho doanh nghiệp và là lựa chọn của nhiều người tiêu dùng.
Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram và TikTok tích cực tham gia vào cuộc chơi thương mại điện tử. Người tiêu dùng có thể mua sắm trực tiếp thông qua các quảng cáo hoặc gian hàng ảo trên mạng xã hội, mang lại sự tiện lợi và cá nhân hóa cao. Xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong những năm tới.
Không chỉ phát triển trong nước, Thương mại điện tử xuyên biên giới (Cross-border E-commerce) cũng là một xu hướng mà nhiều doanh nghiệp quan tâm và đầu tư. Các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng các nền tảng như Amazon và Alibaba để tiếp cận thị trường quốc tế. Sự tăng trưởng của mô hình này không chỉ giúp nâng cao doanh thu xuất khẩu mà còn mở ra cơ hội quảng bá thương hiệu Việt trên toàn cầu.
CẢI TIẾN TRONG THANH TOÁN
Hệ thống thanh toán điện tử tại Việt Nam đã có bước tiến lớn trong năm qua. Các ví điện tử như MoMo, ZaloPay, ViettelPay và các ứng dụng ngân hàng số ngày càng phổ biến, mang lại sự tiện lợi và an toàn cho người dùng. Theo báo cáo, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử tăng đáng kể, đặc biệt tại các đô thị lớn.
Tuy nhiên, phương thức thanh toán khi nhận hàng (COD) vẫn chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt tại khu vực nông thôn. Điều này phản ánh tâm lý e ngại và thiếu niềm tin vào các phương thức thanh toán điện tử của một bộ phận người tiêu dùng. Đây là thách thức lớn cần được giải quyết thông qua việc nâng cao nhận thức và tăng cường các biện pháp bảo mật.
TIẾP TỤC HOÀN THIỆN HẠ TẦNG LOGISTICS
Logistics, yếu tố sống còn của thương mại điện tử đã có những cải thiện rõ rệt trong năm 2024. Các công ty như Giao Hàng Nhanh, Viettel Post, Ninja Van, …. liên tục mở rộng mạng lưới, đầu tư vào công nghệ để tối ưu hóa quy trình giao nhận hàng hóa. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) trong logistics không chỉ giúp giảm thời gian giao hàng mà còn cải thiện độ chính xác và tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra, hợp tác chiến lược giữa các sàn thương mại điện tử và công ty logistics đã tạo ra những dịch vụ giao hàng nhanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Ví dụ, dịch vụ giao hàng trong ngày hoặc trong vòng 2 giờ của Tiki hay Shopee đã trở thành tiêu chuẩn cho các giao dịch trực tuyến tại các đô thị lớn.
Tuy nhiên, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thị trường vẫn còn nhiều thách thức vẫn cần sự chung tay hợp tác từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý. Đầu tiên là hạ tầng logistics chưa đồng bộ. Mặc dù đã có cải thiện, nhưng hệ thống logistics tại các khu vực nông thôn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển thương mại điện tử.
Vấn đề niềm tin của người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi và bảo mật thông tin cá nhân vẫn là rào cản lớn đối với sự phát triển của thương mại điện tử. Ngoài ra, sự tham gia của nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước tạo ra áp lực không nhỏ về giá cả và chất lượng dịch vụ cho cả thị trường nói chung.