11:08 07/10/2021

Thị trường TP.HCM dần trở lại “bình thường mới”

Băng Hảo

TP.HCM từ ngày 1/10 đã áp dụng Chỉ thị 18, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo nguyên tắc thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn. Những ngày này, nhịp sống đô thị đang dần trở lại, người dân cũng dần thay đổi thói quen để thích nghi với cuộc sống bình thường mới…

Sau nhiều tháng đóng cửa vì dịch Covid-19, nhiều hàng quán ở TP.HCM đã mở cửa bán trở lại. Ảnh: Hồng Lam (báo Danviet)
Sau nhiều tháng đóng cửa vì dịch Covid-19, nhiều hàng quán ở TP.HCM đã mở cửa bán trở lại. Ảnh: Hồng Lam (báo Danviet)

Những tháng ngày giãn cách tại TP.HCM cuối cùng cũng kết thúc. Cuộc sống mở cửa từng bước đã chính thức bắt đầu một vài ngày nay. Nhiều người đã rời khỏi nhà để đi tập thể dục, người đi làm, người dẫn xe đi sửa, người đi siêu thị, mua đồ ăn sáng…

"Tình hình TP.HCM bước đầu được kiểm soát, tạo điều kiện phục hồi kinh tế. Thành phố đang lấy lại sức sống và nhịp đập trái tim của một cơ thể đang hồi sinh," Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chia sẻ tại lễ tuyên dương Đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 diễn ra sáng 6/10.

THỊ TRƯỜNG HỒI PHỤC SỨC SỐNG

Những ngày này, dạo quanh các con đường ở TP.HCM như: Nguyễn Tri Phương, Sư Vạn Hạnh, Tô Hiến Thành... có thể thấy nhiều hàng quán đã sáng đèn, đường sá bắt đầu nhộn nhịp hơn. Một số quán ngoài việc nhận đơn từ shipper nay đã cho mọi người đến tự kêu món với hình thức bán mang về.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh (45 tuổi) là chủ tiệm bánh mì trên đường Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận) cho biết ngay ngày đầu tiên tiệm của mình mở bán, quá nhiều người đến mua trong sáng sớm nên 4 người trong quán “trở tay không kịp”.

Trong khi đó, quán phở của bà Đặng Thị Mỹ Quỳnh (40 tuổi) trên đường Lê Quang Định sáng nào cũng đông người đến mua. Mới bán trở lại 4 ngày nay, chủ quán không giấu được niềm vui vì nhiều khách quen có thể trực tiếp đến quán để mua thay vì qua shipper. “Phở thì tôi không tăng giá, nhưng khách mua qua app tốn nhiều tiền ship tôi cũng thương lắm. Nay được mua bán mang về nên nhiều khách ghé qua, làm không kịp,” bà chủ quán vui mừng.

Bên cạnh dịch vụ ăn uống, các chợ truyền thống hầu hết đã mở cửa hoạt động trở lại, giúp cho nhiều hàng hóa có mức giá gần như trở lại trước lúc giãn cách. Trong đó, chợ Bến Thành mở cửa trở lại từ ngày 3/10. Trước đó, tiểu thương tại đây đã được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và tiêm 2 mũi vaccine. Ông Ngô Văn Hà, Trưởng ban quản lý chợ Bến Thành cho biết có 150 tiểu thương đăng ký bán lại. Trong đó, 75 tiểu thương bán các mặt hàng thiết yếu đã mở sạp trở lại.

Ngoài các gian hàng bán thực phẩm, rau củ, thịt cá, bên trong chợ Bến Thành đã bắt đầu có nhiều gian hàng bán đồ ăn, hoa quả,... mở cửa trở lại. Ảnh: Hải Long (báo Dantri)
Ngoài các gian hàng bán thực phẩm, rau củ, thịt cá, bên trong chợ Bến Thành đã bắt đầu có nhiều gian hàng bán đồ ăn, hoa quả,... mở cửa trở lại.
Ảnh: Hải Long (báo Dantri)

Chợ Bến Thành chủ động lắp vách ngăn và giăng dây để giữ khoảng cách cho các tiểu thương với nhau và khoảng cách giữa người mua và người bán. Sau 3 ngày hoạt động trở lại, chợ Bến Thành bắt đầu nhộn nhịp với khách hàng là người dân trong khu vực quận 1 và một số người nước ngoài đang sinh sống, tạm trú tại Việt Nam. “Nhìn thấy chợ lên đèn mà mừng quá. Không còn cảnh ủ rũ, tối om những ngày nghỉ bán rồi. Giờ được bán lại, dù còn ít khách qua lại cũng đủ để tôi thấy khỏe hẳn ra," chị Trần Thanh Loan, một tiểu thương tại đây, chia sẻ.

Nói đến sức khỏe không thể không nhắc đến thói quen thể dục thể thao. Sau khi các phòng tập gym được phép hoạt động trở lại với công suất tối đa 50%, nhiều bạn trẻ TP.HCM hào hứng trở lại phòng tập sau thời gian dài giãn cách xã hội. Ghi nhận tại phòng tập gym trên đường Lê Lợi, quận 1, TP.HCM, khách hàng khi đến phòng tập, việc đầu tiên là xuất trình mã chứng nhận tiêm hai mũi vaccine. Ngoài ra, phòng gym đưa hệ thống khai báo y tế và check in online tại nhà, giúp người tập dễ dàng trong việc đặt lịch và các giúp phòng tập kiểm soát được số lượng người tập trong mỗi khung giờ.

Dịch vụ ăn uống hiện cũng được bán trực tiếp cho người dân theo hình thức mang về. Do đó, các quán ăn uống đông người dân xếp hàng để chờ mua. Ảnh: Vietnamnet.
Dịch vụ ăn uống hiện cũng được bán trực tiếp cho người dân theo hình thức mang về. Do đó, các quán ăn uống đông người dân xếp hàng để chờ mua. Ảnh: Vietnamnet.

Cùng với đó, ngay trong ngày đầu tiên, các tiệm hớt tóc làm không hết việc. Nhiều tiệm phải cho đăng ký thưa người để đảm bảo giãn cách phòng dịch. Các tiệm sửa xe gắn máy cũng đắt hàng, chủ yếu người dân đem xe "tút" lại như bơm bánh, thay nhớt, thậm chí nhiều chiếc xe để lâu ngày dính nhiều "bệnh" phải cần cân chỉnh lại. Các tiệm sửa điện thoại trên đường Trần Quang Khải (Q.1) đông nghẹt người, khách phải đứng ngoài cửa hàng để chờ đến lượt. Các bệnh viện chuyên khoa như Bệnh viện Mắt cũng đông bệnh nhân vì trong thời gian giãn cách không "dám" đi khám bệnh...

TP.HCM như đang bừng lên một sức sống mới, dù dịch mới chỉ được kiểm soát và vẫn còn những diễn biến phức tạp. Nhưng sau hơn 3 tháng thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, việc nới lỏng giãn cách có kiểm soát để sống an toàn với dịch Covid-19, đã giúp thị trường sôi động hơn, nhiều hàng hóa, nhiều mặt hàng thiết yếu đang bình ổn giá trở lại.

NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC PHÉP CHỦ QUAN

Sau một vài ngày thành phố thực hiện Chỉ thị 18, tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn, ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM cho biết, đại bộ phận người dân rất phấn khởi, nhiều doanh nghiệp cơ sở sản xuất trở lại tạo không khí nhộn nhịp, tập nập. Tuy nhiên, một số người dân thực hiện chưa nghiêm 5K, như tụ tập đông người, không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách, có tình trạng buôn bán hàng rong, tham gia lưu thông khi chưa đủ điều kiện (không có thẻ xanh vaccine hoặc đã khỏi Covid-19)...

"Đây là bình thường mới trong điều kiện kiểm soát dịch, bà con đừng nghĩ đã bình thường rồi mà cần phải nêu cao tinh thần cảnh giác, không được chủ quan", ông Hải nói.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, việc tập trung đông người tại các chợ tự phát hay siêu thị như hiện nay là điều rất đáng lo ngại với ngành y tế. Hiện nay TP.HCM vẫn còn khoảng 4 - 5% người trên 18 tuổi chưa tiêm vaccine phòng Covid-19.

Ngoài ra, người đã tiêm một mũi vaccine được bảo vệ trước nguy cơ trở nặng, song không có nghĩa sẽ miễn nhiễm hay không thể lây nhiễm cho người khác. Do đó, việc tụ tập đông người, không tuân thủ đúng thông điệp 5K có thể sẽ phá vỡ nỗ lực chống dịch từ trước đến nay.

Để đảm bảo an toàn, nhiều nhân viên và thợ cắt tóc được trang bị đồ bảo hộ chống dịch trong ngày mở cửa trở lại. Ảnh: Dạ Thảo (báo Thanh Niên)
Để đảm bảo an toàn, nhiều nhân viên và thợ cắt tóc được trang bị đồ bảo hộ chống dịch trong ngày mở cửa trở lại. Ảnh: Dạ Thảo (báo Thanh Niên)

Theo các chuyên gia, hoạt động của chợ tự phát rất khó quản lý, do đó cần có phương án để kiểm soát, trước mắt nên ưu tiên cho siêu thị, chợ truyền thống hoạt động trước. Đối với chợ truyền thống chỉ nên cho mở cửa buôn bán mặt hàng thiết yếu trước, các mặt hàng chưa thiết yếu nên để sau, khi tỷ lệ vaccine bao phủ đủ và tình hình dịch được kiểm soát tốt hơn thì mở cửa dần.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố dù thành phố đã mở cửa siêu thị, trung tâm thương mại, một số điểm nghỉ dưỡng, tham quan du lịch, bảo tàng..., phụ huynh chưa nên cho trẻ nhỏ ra ngoài nhiều lúc này. Bởi trẻ em vẫn chưa được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, miễn dịch cộng đồng ở thành phố vẫn chưa đạt được, trẻ rất dễ bị lây nhiễm.

Thêm nữa, sau khi từ siêu thị, chợ về nhà, phụ huynh phải rửa tay, khử khuẩn kỹ trước khi tiếp xúc với trẻ, tốt nhất là duy trì đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn khi chăm sóc, tránh lây nhiễm chéo Covid-19 sang trẻ nhỏ.