08:22 05/11/2007

Thiếu nhân lực sở hữu trí tuệ

Phan Anh

Các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ nếu được quan tâm tại toà án thì cũng rất ít thẩm phán biết chuyên sâu về sở hữu trí tuệ

Xử lý các vi phạm sở hữu trí tuệ.
Xử lý các vi phạm sở hữu trí tuệ.
Việt Nam đang đứng trước thực trạng thiếu nhân lực có trình độ cao về sở hữu trí tuệ. Luật Sở hữu trí tuệ đã ra đời và có hiệu lực, nhưng việc đào tạo luật này trong các trường đại học và cao đẳng còn khá khiêm tốn.

Đây là những thách thức của Việt Nam trong nền kinh tế hội nhập, cạnh tranh vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cảnh báo.

Trên thế giới, giảng dạy và đào tạo về sở hữu trí tuệ đã trở thành một lĩnh vực đào tạo quan trọng trong các trường đại học. Thông thường, thời gian đào tạo về sở hữu trí tuệ cho một cử nhân luật ở nước ngoài thường kéo dài từ 10 - 14 tuần với từ 5 - 25 môn học. Con số này ở Đại học Luật Hà Nội là 35 tiết học.

Sinh viên luật phải học sở hữu trí tuệ

Ở nhiều nước, giảng dạy và đào tạo về sở hữu trí tuệ có truyền thống lâu đời với hệ thống đồng bộ, nhiều cấp độ và hình thức khác nhau, có thể chỉ dừng lại ở từng môn học hoặc tiến sĩ và sau tiến sĩ.

Mặc dù chính sách của Nhà nước ưu tiên đầu tư đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng liên quan làm công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nghiên cứu, ứng dụng khoa học kĩ thuật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (trích Điều 8.4 Luật sở hữu trí tuệ).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy mới chỉ một vài cơ sở đào tạo của Việt Nam có nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ. Mặc dù vậy, những nội dung đào tạo cũng chỉ dừng lại ở mức chung chung, thậm chí nhiều nơi môn học đang còn trên giấy.

Chưa có đào tạo chuyên về sở hữu trí tuệ

Tại Đại học Luật Hà Nội, một cơ sở hàng đầu đào tạo luật sư, nhưng việc bố trí thời lượng đào tạo nhân lực sở hữu trí tuệ cũng chưa thực sự nhiều.

Ths. Nguyễn Bá Bình, giảng viên Khoa pháp luật quốc tế, Đại học Luật Hà Nội, cho biết, cơ cấu chương trình giảng dạy về sở hữu trí tuệ gồm môn sở hữu trí tuệ (bắt buộc cho sinh viên toàn trường), chuyên đề Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trong kinh doanh quốc tế (tự chọn cho sinh viên khoa pháp luật quốc tế) và chuyên đề Pháp luật về sở hữu công nghiệp trong hoạt động thương mại (tự chọn cho sinh viên khoa Pháp luật kinh tế).

Học viện Tư pháp có quy mô đào tạo hàng năm là 500 thẩm phán, 200 kiểm sát viên, 2.000 luật sư, 300 chấp hành viên và 100 công chứng viên. Tuy nhiên, những nội dung về sở hữu trí tuệ mới chỉ có trong chương trình đào tạo luật sư với 6 tiết giảng chuyên đề về sở hữu trí tuệ. Còn chương trình đào tạo cho thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên chưa có nội dung về sở hữu trí tuệ.

Trong các hồ sơ thực tế Học viện sử dụng để đào tạo chưa có hồ sơ vụ án có nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ và các án được học viện tổ chức diễn cũng chưa có án liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Thiếu thẩm phán xử tranh chấp sở hữu trí tuệ

Vi phạm sở hữu công nghiệp, nhãn mác, thương hiệu, hàng giả, hàng nhái,... ngày càng phức tạp đòi hỏi cần sự phân xử nghiêm minh, rõ ràng tại toà án. Từ trước tới nay, vi phạm sở hữu trí tuệ ở Việt Nam chủ yếu được xử lý hành chính.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ, đáng ra theo luật, vấn đề này cần phải kiện ra toà nhiều thì mỗi năm cũng chỉ có không quá 10 trường hợp được xử tại toà dân sự. Tỷ lệ này là quá ít, không cân đối, chưa đáp ứng với thông lệ quốc tế. Chỉ có toà án mới xử phạt nặng và đúng bản chất. Tuy nhiên, do toà án bị bão hoà bởi những vụ việc khác nên các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ ít được quan tâm.

Nhưng nếu có quan tâm thì cũng rất ít thẩm phán biết chuyên sâu về sở hữu trí tuệ. Ngay cả khi Việt Nam cử thẩm phán đi đào tạo ở trong và ngoài nước về sở hữu trí tuệ thì cũng rất ít người có đủ tiêu chuẩn. Do số vụ xử lý bằng biện pháp hành chính là chủ yếu, các vụ kiện xử lý tại toà dân sự thì quá ít nên tính răn đe kém và khả năng bồi hoàn thiệt hại là rất thấp.

Để khắc phục tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, các quy định mới đã đề cao trách nhiệm chủ thể quyền yêu cầu bên vi phạm chấm dứt và khuyến khích đưa ra xét xử tại toà dân sự. Các chu trình đưa đến xử lý tại toà dân sự cũng rõ ràng hơn, chi ly cụ thể từng thiệt hại và có quy chuẩn. Mức phạt vi phạm sở hữu công nghiệp cũng đã thay đổi nặng hơn và có thể gấp đến 5 lần tổng giá trị hàng hoá vi phạm. Toà án cũng có thể đưa ra các biện pháp tạm thời thu giữ các đối tượng vi phạm.

Chừng nào toà án chưa xử lý tốt lĩnh vực này thì vẫn là một khó khăn cho việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Các đơn vị nước ngoài muốn kiện ra toà xử phạt cho đúng để đền bù thiệt hại nhưng khó làm được.

“Hậu quả của tình trạng này là các đơn vị hạn chế đưa những công nghệ, sáng chế, thương hiệu nổi tiếng vào thị trường Việt Nam để người tiêu dùng có thể sử dụng hàng chính danh tiêu chuẩn quốc tế”, ông Hùng cảnh báo.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và hội nhập kinh tế, khi yếu tố công nghệ và hàm lượng trí tuệ trở thành nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia, doanh nghiệp.

Thu hẹp được khoảng cách đào tạo, đặc biệt là những người có liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các trường sẽ phần giải quyết khó khăn thiếu nhân lực sở hữu trí tuệ trước mắt và trong tương lai, đồng thời giúp doanh nghiệp Việt Nam tránh được những tranh chấp không đáng có liên quan đến sở hữu trí tuệ.

* Tại Mỹ, các khóa học về sở hữu trí tuệ được thiết kế linh hoạt cho các đối tượng, kể cả cho đào tạo sau đại học. Các khóa học có thể là bắt buộc theo lựa chọn của sinh viên. Các bài viết, các ý tưởng của sinh viên, của các học giả được coi là tài sản. Bỏ qua ghi chú về nguồn gốc bị xem là đạo văn. Nhiều trường đại học và cao đẳng có các quy định rõ việc đạo văn và các hình thức không trung thực. Hình phạt đối với hành động này có thể rất nặng, từ bị điểm liệt đến đánh trượt cả khóa học.

Tại Nga, từ khi thành lập (1968) đến nay, Viện Sở hữu trí tuệ Liên bang Nga đã đào tạo được 30.000 chuyên gia sở hữu trí tuệ, 500 người đại diện sáng chế, 350 chuyên gia đánh giá đối tượng sở hữu trí tuệ. Khoa luật của Viện là nơi duy nhất đào tạo luật gia chuyên ngành về sở hữu trí tuệ với thời gian đào tạo là 5 năm.

Đại học Quốc gia Singapore có Khoa luật sở hữu trí tuệ cơ bản và khóa luật sở hữu trí tuệ nâng cao. Môn học kéo dài từ 1 học kỳ 13 tuần với 3 - 6 giờ tín chỉ/tuần. Phương pháp giảng dạy ở đây chủ yếu là bài giảng kết hợp với thảo luận, thuyết trình trên lớp.

Ở Malaysia, việc giảng dạy về sở hữu trí tuệ được bắt đầu từ những năm 1980. Chính phủ Malaysia đã đưa Luật về sở hữu trí tuệ như một môn học vào chương trình giảng dạy của các trường luật. Tất cả trường luật ở đây đều dạy Luật sở hữu trí tuệ ở bậc đại học và sau đại học. Ở bậc đại học, Luật sở hữu trí tuệ được đưa vào chương trình học của năm thứ 2 hoặc thứ 3 với 14 tuần học.