07:00 08/09/2023

Thu hút đầu tư, Khánh Hòa gỡ vướng khó khăn cho loạt cụm công nghiệp

Ban Mai

Hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chậm được triển khai do vướng thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng, tỷ lệ lấp đầy còn thấp nên chưa tạo được động lực để phát triển công nghiệp…

Trên cơ sở báo cáo của Sở Công thương Khánh Hòa về những khó khăn, vướng mắc của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành văn bản số 8603 về giải quyết các khó khăn, vướng mắc này.

TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO GỠ VƯỚNG

Cụ thể, đối với cụm công nghiệp Trảng É, hiện một số dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, khi nhà đầu tư thuê 02 lô đất liền kề trở lên chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng lô mà không được cấp giấy chứng nhận cho toàn bộ khu đất thuê. Do đó, nhà đầu tư không thể xây dựng công trình trên toàn bộ diện tích khu đất thuê để đáp ứng quy mô, công suất thiết kế…

Bên cạnh đó, cụm công nghiệp này cũng vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư.

Để giải quyết, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu UBND huyện Cam Lâm khẩn trương phối hợp với Công ty Bất động sản Khatoco (Tổng Công ty Khánh Việt) khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án, phương án cưỡng chế (bảo vệ thi công) theo quy định pháp luật để xử lý, giải quyết dứt điểm đối với trường hợp ông Nguyễn Em, đảm bảo bàn giao mặt bằng cho Công ty Bất động sản Khatoco trước ngày 15/9/2023; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để chậm trễ bàn giao toàn bộ mặt bằng đợt 1 (20,36 ha) cho Công ty Bất động sản Khatoco.

Đối với đợt 2 (19,53 ha), cần khẩn trương hoàn thành công tác kiểm kê đối với các trường hợp còn lại trước ngày 08/9/2023; phê duyệt phương án giá đất để tính bồi thường để hoàn thiện phương án bồi thường đối với các trường hợp còn lại trước ngày 15/9/2023.

Về cụm công nghiệp và chăn nuôi Khatoco Ninh Ích, hiện đang thiếu nước phục vụ cho nhu cầu hoạt động sản xuất, cũng như công trình bảo vệ môi trường của cụm công nghiệp này chưa được đầu tư xây dựng theo quy định và mong muốn xem xét được phê duyệt bổ sung dự án “Hệ thống xử lý nước thải tập trung”. UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, UBND thị xã Ninh Hòa kiểm tra, xem xét kiến nghị của Tổng Công ty Khánh Việt về việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp đập dâng Ba Hồ để phục vụ sản xuất, kinh doanh cụm công nghiệp; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 11/9/2023.

Với cụm công nghiệp Đắc Lộc đang vướng mắc trong công tác thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án đối với 04 trường hợp còn lại, UBND tỉnh Khánh Hòa giao UBND TP. Nha Trang khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 7777 (ngày 02/8/2023); chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để chậm trễ trong việc thực hiện công tác bồi thường làm ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các hạng mục của dự án trong năm 2023.

Đối với cụm công nghiệp Diên Thọ, UBND huyện Diên Khánh kiểm tra, xem xét kiến nghị của Sở Công Thương để chỉ đạo đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phục vụ dự án.

Đối với cụm công nghiệp Ninh Xuân đang gặp khó khăn về thực hiện quy hoạch chi tiết, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Xây dựng khẩn trương tổng hợp ý kiến của Sở Công Thương tại Văn bản số 1693 để thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 7578 (ngày 27/7/2023); hoàn thành trước ngày 31/8/2023.

UBND thị xã Ninh Hòa chủ động phối hợp với Sở Xây dựng để được hướng dẫn thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Ninh Hòa đến năm 2040, đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) cụm công nghiệp Ninh Xuân để tổ chức thực hiện tiến hành song song, đồng bộ, đảm bảo tính kịp thời về thời gian phê duyệt và đúng quy định của pháp luật...

CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng năm 2023 của UBND tỉnh Khánh Hòa, một trong những nhiệm vụ mà tỉnh đang dồn lực triển khai là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Điển hình như khu công nghiệp Ninh Thủy, cụm công nghiệp Trảng É 2, cụm công nghiệp Diên Thọ, cụm công nghiệp Ninh Xuân.

Tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư đối với các khu công nghiệp Dốc Đá Trắng và Nam Cam Ranh. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Tại khu công nghiệp Ninh Thủy, địa phương đã thực hiện thu hồi giải phóng mặt bằng khoảng 176ha, đạt tỷ lệ 96%... Khu công nghiệp Ninh Thủy đã thu hút được 23 dự án đầu tư trong đó có 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 15 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 115 triệu USD. Tỷ lệ lấp đầy 34,82%.

Hay như khu công nghiệp Suối Dầu đã thu hút được 59 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư 303 triệu USD. Cụ thể, có 18 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 41 dự án trong nước, trong đó có 44 dự án đang hoạt động, 15 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, 1 dự án tạm dừng hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy đạt 97%.

Cụm công nghiệp Đắc Lộc đã thu hút được 18 dự án, đạt tỷ lệ lấp đầy 97% diện tích đất công nghiệp. Cụm công nghiệp Diên Phú thu hút được 31 dự án, đạt 100% diện tích đất cho thuê.

Cụm công nghiệp Diên Phú mở rộng (cụm công nghiệp Diên Phú - VCN) thu hút được 15 dự án đầu tư thứ cấp, trong đó có 4 dự án đã đi vào hoạt động, tỉ lệ lấp đầy đạt 100%. Cụm công nghiệp Tràng É 1 đã thu hút 11 nhà đầu tư, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%.

Cụm công nghiệp và chăn nuôi Khatoco có 3 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 69%. Cụm công nghiệp Sông Cầu có 5 nhà đầu tư thứ cấp đang triển khai thủ tục đầu tư, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 40%.

Riêng cụm công nghiệp Diên Thọ vào cuối năm 2022, tỉnh Khánh Hòa đã chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư Cơ sở hạ tầng (lần thứ 2), trong đó xác định thời gian hoàn thành giải phóng mặt bằng, hoàn tất các thủ tục về đất đai, xin cấp giấy phép xây dựng trước ngày 31/3/2023.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Khánh Hòa thu hút 8 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng; Cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp cho 1.047 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký hơn 6.000 tỷ đồng.