08:01 20/12/2022

Thủ tướng Chính phủ: Năm 2022, ngành tài chính nhiều điểm sáng, chỉ vài điểm mờ

Ánh Tuyết

Từ 5 bài học đúc rút năm qua, Thủ tướng lưu ý về sức mạnh của chuyển đổi số và tăng cường thanh tra, tránh để khuyết điểm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn như khi xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp...

Thủ tướng gửi gắm 16 chữ vàng với ngành tài chính, đó là: “Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả".
Thủ tướng gửi gắm 16 chữ vàng với ngành tài chính, đó là: “Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả".

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc "Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023"  chiều ngày 19/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đánh giá ngành tài chính năm nay có rất nhiều điểm sáng, chỉ có một vài điểm mờ, đây là điểm đáng mừng trong điều kiện nhiều khó khăn.

DỒN DẬP SỨC ÉP NHƯNG VẪN NHIỀU "ĐIỂM SÁNG"

Theo Thủ tướng, nhìn lại năm 2022 cho thấy rất nhiều khó khăn, thách thức bởi Việt Nam đang trong quá trình hồi phục, khắc phục hậu quả sau đại dịch Covid-19. Những khó khăn bồi thêm do những vấn đề từ cạnh tranh địa chính trị, cạnh tranh chiến lược, ảnh hưởng đến an ninh lương lương thực, an ninh năng lượng, an ninh thông tin; các vấn đề tự nhiên như lũ lụt, hạn hán, thiên tai.

Trong khi đó, Việt Nam là một nước đang phát triển và nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi nên phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, do đó, cần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội.

Hơn nữa, quy mô nền kinh tế nước ta còn đang khiêm tốn, khoảng 400 tỷ USD trong khi độ mở rất lớn, gần 200% GDP, khi kim ngạch xuất nhập khẩu đến ngày 15/12 vừa qua đã chính thức cán mốc 700 tỷ USD.

"Trong khi sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế có hạn nên chỉ một tác động, diễn biến nhỏ bên ngoài có thể gây tác động lớn bên trong như: vấn đề xăng dầu, vật liệu, giá cả, lãi suất của các nước, tỷ giá, nhất là các đồng ngoại tệ mạnh tác động ngay đến Việt Nam", Thủ tướng nêu rõ.

Trong điều kiện khó khăn như vậy nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của nhân dân, của doanh nghiệp và sự ủng hộ bạn bè của quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều điểm tích cực như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát dưới 4%, tăng trưởng GDP khoảng 8%...

 

Đáng chú ý, "các cân đối lớn đều được đảm bảo, thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn. Điện và xăng dầu đủ cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, với giá phải chăng so với mặt bằng giá chung của các nước ở khu vực", Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhấn mạnh giá cả ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, Thủ tướng cho hay giá cả giá thấp, vừa phải mới giúp đời sống của nhân dân dễ chịu hơn.

Do đó, "Nhà nước phải bù lỗ một số vấn đề và can thiệp vào giá cả ở mức vừa phải, để đảm bảo đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Chẳng hạn, giá điện 3 năm nay chưa tăng giá, chưa phù hợp với quy luật thị trường nhưng rõ ràng, chính sách của Đảng và Nhà nước là không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, không hy sinh bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần", Thủ tướng nói.

5 BÀI HỌC ĐÁNG NHỚ

Tổng kết và rút ra 5 bài học, định hướng để ngành tài chính đưa ra được mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, đúng, trúng, có khả thi và hiệu quả khi triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023, Thủ tướng chỉ rõ, một là, sự đoàn kết, kỷ cương, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương.

Hai là, theo dõi sát tình hình để phân tích, xem xét liên quan đến chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi đơn vị, trên cơ sở đó có phản ứng chính sách cho phù hợp.

Nhớ lại thời điểm tổng kết ngành tài chính năm 2021, Thủ tướng cho hay tình hình rất khả quan vì kiểm soát được dịch bệnh là thành công lớn nhưng đến tháng 2 xảy ra xung đột Nga - Ukraine tác động đến tất cả các ngành, các cấp, tất cả các lĩnh vực vì độ mở nền kinh tế Việt Nam lớn, không thể đứng ngoài. Do đó, phải phản ứng chính sách cho nhanh, nhạy, kịp thời và hiệu quả.

Ba là, kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác như: chính sách tiền lương, chính sách về lao động... trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Theo đó, chính sách tài khoá phải mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả, trong đó, các vấn đề quan trọng như cân đối thu - chi, phí, lệ phí, đầu tư công, quản lý nợ công, quản lý nợ Chính phủ, bội chi... 

 

"Các đơn vị phải chủ động, phối hợp với nhau, lo công việc của Bộ như công việc của nhà mình, lo cho cuộc sống của anh em, của nhân dân như lo cuộc sống của nhà mình, hiểu và chia sẻ với doanh nghiệp", Thủ tướng ví von. Bởi khi các đơn vị phối hợp trục trặc thì kinh tế vĩ mô sẽ trục trặc ngay, bởi ngành tài chính nắm giữ chìa khóa của kinh tế vĩ mô.

Bốn là, chuyển đổi số vô cùng quan trọng vì đây là một xu thế khách quan. 

Trong chuyến công tác tại Brussels, Vương quốc Bỉ vừa qua, Thủ tướng cho biết 36 quốc gia ngồi họp với nhau, không một nước nào không nhắc đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.

Do đó, phải mạnh mẽ chuyển đổi số trong ngành tài chính, để bớt chi phí, thủ tục hành chính và giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Chẳng hạn, "với ngành hải quan, chuyển đổi số đi trước, đi sớm, cố gắng 2 năm nữa triển khai hải quan thông minh như các nước tiên tiến, vừa chống buôn lậu, vừa kiểm soát được tình hình và nắm được số liệu ngay lập tức, không gian lận, không tô hồng, bôi đen", Thủ tướng gợi ý.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước.

Năm là, nắm chắc tình hình để điều chỉnh việc chính sách và xây dựng thể chế.

Đối với công tác hoàn thiện thể chế, theo người đứng đầu Chính phủ, cuộc sống luôn luôn vận động, do đó, cần phải nắm chắc tình hình để điều chỉnh chính sách, xây dựng thể chế cho phù hợp.

"Liên quan một số nghị định điều chỉnh giá xăng dầu, trái phiếu doanh nghiệp… do trước đây xây dựng chính sách chưa có nhiều kinh nghiệm, có những sơ hở nhưng các cơ quan phát hiện chưa kịp thời, chưa cương quyết xử lý nên để lại hậu quả lớn", Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý các loại không lành mạnh, không an toàn, không công khai, minh bạch, gồm những doanh nghiệp đánh bóng thông tin để lên thị trường chứng khoán, kêu gọi người nhà mua – bán cổ phiếu, gây nhiễu loạn thị trường.

Hay khâu phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không tuyên truyền tốt về vấn đề lãi suất càng cao rủi ro càng lớn, người dân không hiểu được vấn đề.

4 MỤC TIÊU BAO TRÙM VÀ XUYÊN SUỐT

Theo Thủ tướng, trong năm 2023, nền kinh tế sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành tài chính rất nặng nề. Do đó, Bộ Tài chính cần chủ động, tích cực, bám sát các chỉ đạo để chủ động vào cuộc.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Phương châm của năm nay của ngành tài chính là: Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”.

Trong bối cảnh nhiệm vụ đặt ra đối với ngành tài chính rất nặng nề, Thủ tướng cũng đề xuất ngành tài chính bám sát 4 mục tiêu bao trùm và xuyên suốt của ngành.

Thứ nhất, toàn ngành phải tập trung nghiên cứu, xây dựng và đưa ra các giải pháp tổ chức thực hiện, đảm bảo tuyệt đối an toàn về an ninh tài chính tiền tệ của quốc gia.

Thứ hai, phải tập trung ưu tiên cho ổn định kinh tế quy mô, đảm bảo các cân đối lớn trong đó có cân đối thu chi, bội thu được là rất tốt; cùng với đó, giảm bội chi, giảm nợ công, giảm nợ Chính phủ.

Thứ ba, phải tăng chi cho đầu tư phát triển. Cần xây dựng cơ chế, chính sách sách huy động mọi nguồn lực trong xã hội, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội cho phát triển.

Thứ tư, theo dõi, kiểm soát giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu của người dân vào dịp Tết, để không tăng giá, ổn định và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.

 
Thủ tướng Chính phủ: Năm 2022, ngành tài chính nhiều điểm sáng, chỉ vài điểm mờ - Ảnh 1

"Ngành tài chính cần tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, để phát hiện các vấn đề mâu thuẫn, có tiêu cực như trái phiếu doanh nghiệp.

Rõ ràng, công tác kiểm tra, thanh tra chưa đến nơi đến chốn, cuối cùng phải thực hiện bằng các biện pháp hình sự, thực sự rất khổ tâm, rất đau đầu, phải cân nhắc lên, cân nhắc xuống nhưng không làm thì không được. 

Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thật tốt và và sử dụng các công nghệ, nhất là chuyển đổi số để kiểm tra, thanh tra các hoạt động liên quan đến chính sách tài khóa, tài chính tín dụng. Đừng để sai phạm nhỏ, khuyết điểm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn". 


(Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc "Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023").