Thủ tướng: Hà Nội cần đặc biệt bảo vệ tuyến đê sông Hồng
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và UBND thành phố Hà Nội phải bảo vệ cho được những tuyến đê xung yếu
Phát biểu tại buổi làm việc khẩn cấp với các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống bão lụt Trung ương chiều 4/11 tại Hà Nội, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và UBND thành phố Hà Nội phải bảo vệ cho được những tuyến đê xung yếu, đặc biệt tuyến đê sông Hồng.
Thủ tướng nói biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết diễn biến bất thường gây ra trận mưa lụt lớn trong lịch sử, nhất là trên địa bàn thành phố Hà Nội đã gây ngập úng trên diện rộng làm 22 người chết, thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Những thiệt hại nặng nề một phần là do công tác dự báo không chính xác.
Qua đây, theo Thủ tướng, các cơ quan chức năng ở Trung ương, Hà Nội và các địa phương cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác dự báo, phòng chống lụt bão nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Theo dự báo trong hai ngày tới (từ 6/11), Hà Nội và một số địa phương sẽ có mưa lớn (từ 100-300 ml), Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và UBND thành phố Hà Nội phải chủ động lên phương án đối phó cụ thể đối với từng khu vực, bảo vệ cho được những tuyến đê xung yếu, đặc biệt tuyến đê sông Hồng, với quyết tâm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm điều tiết nước ở các hồ và xây dựng các phương án bảo vệ các tuyến đê xung yếu, đồng thời huy động mọi lực lượng bảo vệ các tuyến đê mà lực lượng quân đội là nòng cốt; tính toán cụ thể lượng mưa để xả lũ và chuẩn bị các phương án sơ tán dân các vùng có thể xảy ra ngập lụt.
Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu các trạm bơm huy động hết công suất tiêu úng, tổ chức thăm hỏi và cứu trợ kịp thời các gia đình có người bị chết, bị mất nhà cửa, gia đình thuộc diện chính sách, huy động các tổ chức đoàn thể giúp dân sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa bị hư hỏng, bố trí nơi ở tạm cho những gia đình bị mất nhà cửa, sớm ổn định đời sống của nhân dân.
* Trước đó, vào chiều 4/11, ngay sau khi có tin đồn về việc đê Đông Lao, cách thành phố Hà Đông (Hà Nội) 6 km bị vỡ và sông Nhuệ có khả năng bị phân lũ khiến nhiều người dân hoang mang, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã bác bỏ thông tin này.
Ông Vũ Hồng Khanh, Phó chủ tịch UBND thành phố khẳng định trên địa bàn Hà Nội chưa có tuyến đê nào bị vỡ. Khu vực hà Nội đã ngớt mưa, nước các sông đang xuống. Các sự cố sạt lở đã được thành phố chỉ đạo khắc phục, gia cố và đạt kết quả tốt. Thành phố hoàn toàn không có chủ trương phân lũ. Người dân trên địa bàn thành phố không nên hoang mang, dao động.
* Do tình hình mưa kéo dài và diễn biến thời tiết vẫn còn rất phức tạp, ngày 4/11, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có công văn khẩn yêu cầu các phòng giáo dục đào tạo chỉ đạo 729 trường học trên địa bàn tiếp tục cho học sinh được nghỉ học. Trong số 729 trường trên, chỉ có học sinh ở tất cả các trường thuộc quận Hoàn Kiếm và huyện Phúc Thọ bắt đầu đi học trở lại từ ngày 5/11.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu toàn ngành tập trung vào việc chỉ đạo khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cán bộ, giáo viên và học sinh.
(TTXVN)
Thủ tướng nói biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết diễn biến bất thường gây ra trận mưa lụt lớn trong lịch sử, nhất là trên địa bàn thành phố Hà Nội đã gây ngập úng trên diện rộng làm 22 người chết, thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Những thiệt hại nặng nề một phần là do công tác dự báo không chính xác.
Qua đây, theo Thủ tướng, các cơ quan chức năng ở Trung ương, Hà Nội và các địa phương cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác dự báo, phòng chống lụt bão nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Theo dự báo trong hai ngày tới (từ 6/11), Hà Nội và một số địa phương sẽ có mưa lớn (từ 100-300 ml), Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và UBND thành phố Hà Nội phải chủ động lên phương án đối phó cụ thể đối với từng khu vực, bảo vệ cho được những tuyến đê xung yếu, đặc biệt tuyến đê sông Hồng, với quyết tâm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm điều tiết nước ở các hồ và xây dựng các phương án bảo vệ các tuyến đê xung yếu, đồng thời huy động mọi lực lượng bảo vệ các tuyến đê mà lực lượng quân đội là nòng cốt; tính toán cụ thể lượng mưa để xả lũ và chuẩn bị các phương án sơ tán dân các vùng có thể xảy ra ngập lụt.
Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu các trạm bơm huy động hết công suất tiêu úng, tổ chức thăm hỏi và cứu trợ kịp thời các gia đình có người bị chết, bị mất nhà cửa, gia đình thuộc diện chính sách, huy động các tổ chức đoàn thể giúp dân sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa bị hư hỏng, bố trí nơi ở tạm cho những gia đình bị mất nhà cửa, sớm ổn định đời sống của nhân dân.
* Trước đó, vào chiều 4/11, ngay sau khi có tin đồn về việc đê Đông Lao, cách thành phố Hà Đông (Hà Nội) 6 km bị vỡ và sông Nhuệ có khả năng bị phân lũ khiến nhiều người dân hoang mang, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã bác bỏ thông tin này.
Ông Vũ Hồng Khanh, Phó chủ tịch UBND thành phố khẳng định trên địa bàn Hà Nội chưa có tuyến đê nào bị vỡ. Khu vực hà Nội đã ngớt mưa, nước các sông đang xuống. Các sự cố sạt lở đã được thành phố chỉ đạo khắc phục, gia cố và đạt kết quả tốt. Thành phố hoàn toàn không có chủ trương phân lũ. Người dân trên địa bàn thành phố không nên hoang mang, dao động.
* Do tình hình mưa kéo dài và diễn biến thời tiết vẫn còn rất phức tạp, ngày 4/11, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có công văn khẩn yêu cầu các phòng giáo dục đào tạo chỉ đạo 729 trường học trên địa bàn tiếp tục cho học sinh được nghỉ học. Trong số 729 trường trên, chỉ có học sinh ở tất cả các trường thuộc quận Hoàn Kiếm và huyện Phúc Thọ bắt đầu đi học trở lại từ ngày 5/11.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu toàn ngành tập trung vào việc chỉ đạo khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cán bộ, giáo viên và học sinh.
(TTXVN)