21:51 19/08/2022

Thủ tướng: Tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng

Huyền Vy

Các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần tập trung trao đổi, phân tích tình hình, chính sách của nước sở tại, từ đó khuyến nghị các biện pháp cụ thể giúp các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức hiện nay …

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn".
Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn".

Chiều tối 19/8, tại Trụ sở Bộ Công Thương, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài theo hình thức trực tuyến.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan; các tham tán, tùy viên thương mại tại 61 thương vụ/chi nhánh thương vụ phụ trách 176 thị trường nước ngoài.

THƯƠNG VỤ ĐÃ ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG VÀO SỰ PHÁT TRIỂN CHUNG CỦA ĐẤT NƯỚC

Cuộc làm việc nhằm đánh giá tình hình, kết quả triển khai và bàn giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2022, định hướng giai đoạn 2023-2025, củng cố phát triển các thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mới nhiều tiềm năng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, các chuỗi cung ứng, tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên trong bối cảnh tình hình hiện nay.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan tổ chức hội nghị này.

Theo Thủ tướng, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu, cũng như từng quốc gia, nhất là đại dịch Covid-19.

Xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng sâu sắc tới mọi lĩnh vực trên toàn thế giới, dẫn đến chuỗi cung ứng, lao động, sản xuất đứt gãy cục bộ, giá cả năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào và nông sản ở mức cao, lạm phát ở nhiều nước tăng cao. An ninh năng lượng, an ninh lương thực bị ảnh hưởng, an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác lớn của ta thay đổi chính sách theo hướng tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, tài khóa...

Với nền kinh tế quy mô còn khiêm tốn, nhưng có độ mở lớn, sức chống chịu có hạn, Việt Nam chịu tác động lớn bởi các yếu tố nêu trên, chỉ cần một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế… tình hình kinh tế-xã hội 7 tháng năm 2022 của nước ta tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn (thu-chi, xuất-nhập khẩu, năng lượng, lương thực-thực phẩm, cung ứng lao động) được đảm bảo, tăng trưởng ở mức cao. Kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng năm 2022 đạt trên 433 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ và dự báo cả năm 2022 đạt khoảng 800 tỷ USD. An sinh xã hội được quan tâm; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.

Trong các thành tích chung, có sự đóng góp quan trọng của hoạt động ngoại thương, mà trực tiếp là của ngành công thương với hệ thống thương vụ ở nước ngoài. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương các nỗ lực, kết quả mà hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được.

CÀNG KHÓ KHĂN CÀNG ĐOÀN KẾT, SÁNG TẠO, NỖ LỰC ĐỂ VƯỢT QUA

Dự báo tình hình thế giới, khu vực trong thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, gây nhiều hệ luỵ cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn. Các thị trường lớn của Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động của lạm phát, đồng tiền bản địa mất giá so với đồng USD, thị trường xuất nhập khẩu thu hẹp do tổng cầu giảm; chính sách thắt chặt tiền tệ và chính sách “zero Covid” ở một số nơi cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam theo hướng kém thuận lợi hơn.

Bối cảnh này, Thủ tướng đề nghị ngành công thương nói chung và hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nói riêng phải tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác nghiên cứu thị trường, tham mưu chính sách và nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng các cơ hội từ các FTA thế hệ mới mà nước ta là thành viên, thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi; đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.

Thủ tướng cũng đề nghị nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ, trong công tác phối hợp với nước sở tại, với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp trong nước; đề xuất giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho hệ thống thương vụ tại nước ngoài hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

"Non cao cũng có đường trèo, đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi. Truyền thống của dân tộc là càng khó khăn càng đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực để vượt qua và vươn lên. Trong lúc khó khăn này, chúng ta vẫn phải phát triển, phải đi lên, không bó tay. Với kiến thức, năng lực, trình độ của mình, mong các đồng chí đóng góp để góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu, mang ngoại tệ về cho đất nước, đồng thời góp phần thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng, hiệu quả", Thủ tướng chia sẻ.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, hệ thống thương vụ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gồm 61 thương vụ và chi nhánh. Trong đó, khu vực châu Á - châu Phi có 28 thương vụ và 4 chi nhánh; khu vực châu Âu - châu Mỹ có 26 thương vụ và 3 chi nhánh. Đồng thời còn có 1 phái đoàn Việt Nam tại Tổ chức Thương mại Thế giới và 3 văn phòng xúc tiến thương mại (1 trung tâm giới thiệu sản phẩm tại Mỹ và 2 văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết hệ thống thương vụ của Việt Nam đã đảm bảo thực hiện tốt các chức năng chính là đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực kinh tế - thương mại; xúc tiến mở rộng thị trường nước ngoài cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam và ở nước ngoài; thu thập thông tin, nghiên cứu cơ chế, chính sách thị trường sở tại, tham mưu, đề xuất về các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phù hợp.

Các thương vụ còn chủ động phát hiện và tháo gỡ các rào cản thương mại mà các nước áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam, giải quyết các tranh chấp thương mại giữa nước ta và nước ngoài, bảo vệ tốt được quyền lợi kinh tế của quốc gia cũng như là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp tại nước ngoài.

 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2021, kim ngạch ngoại thương của Việt Nam đạt hơn 670 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 20 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất toàn cầu.

7 tháng năm 2022, kim ngạch ngoại thương của Việt Nam đạt hơn 433 tỷ USD. Dự báo cả năm, kim ngạch ngoại thương sẽ đạt khoảng 800 tỷ USD, đưa Việt Nam vươn lên top 10-15 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất toàn cầu.