Thủ tướng yêu cầu lý giải vì sao doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng cao
Thực trạng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Việt đang không được như kỳ vọng trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng diễn ra ngày 1/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề và yêu cầu các bộ ngành, địa phương lý giải vì sao số lượng doanh nghiệp thành lập mới còn thấp, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng cao, hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân chưa được như mong đợi.
Theo thủ tướng, các bộ ngành, địa phương "phải tự hỏi nguyên nhân của tình trạng trên là vì đâu trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Phải chăng là khâu thực thi của các cấp chưa hiệu quả".
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, trong 9 tháng, cả nước có trên 96.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chỉ tăng 8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng cao. Đặc biệt, hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân còn thấp, chậm cải thiện.
"Các bộ, ngành mới rà soát, cắt giảm được 60%, còn tới gần 40% điều kiện kinh doanh cần cắt giảm, còn tình trạng đối phó như cắt giảm điều kiện này thì lại "mọc" ra điều kiện khác, Thủ tướng lưu ý. Các bộ, ngành cần khẩn trương hoàn thành rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết theo đúng tiến độ, chất lượng đề ra.
Bình luận về tình hình kinh tế vĩ mô, người đứng đầu Chính phủ cho hay, trong bối cảnh quốc tế có nhiều đổi thay, nhiều nước thay đổi chính sách kinh tế nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế- xã hội nước ta tiếp tục phát triển toàn diện. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, là mức tăng cao nhất trong 7 năm qua. Sức cầu trong nước tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ. Lạm phát trong tầm kiểm soát. Bảo đảm các cân đối lớn và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều biến động.
Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đối mặt với một số rủi ro, thách thức cả bên trong và bên ngoài như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Ngân hàng trung ương của các nước lớn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến mặt bằng lãi suất tăng. Một số mặt hàng có xu hướng tăng giá.
Thủ tướng cảnh báo "nếu không khéo kiểm soát, không khéo phối hợp chính sách thì khả năng CPI tăng quá mức 4% cũng có thể xảy ra".
Trong thời gian tới, trước các biến động của tình hình thế giới, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính tiền tệ quốc tế đối với các vấn đề tỷ giá, lãi suất; có giải pháp kịp thời ổn định lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại hối, tránh đột biến, tạo thế yên tâm cho doanh nghiệp, người dân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối đôn đốc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó chú trọng dự án lớn, dự án quan trọng, công trình mục tiêu quốc gia. Kiên quyết không gia hạn đối với các dự án giải ngân chậm, thiếu lý do chính đáng.
Về yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng cho rằng một mục tiêu quan trọng của chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế là hạn chế sự phụ thuộc vào khu vực FDI mà cần dựa nhiều hơn vào sức cầu trong nước và trong khi sức cầu trong nước phụ thuộc nhiều vào tầng lớp trung lưu nên cần có chính sách dưỡng sức dân, dưỡng sức doanh nghiệp, hỗ trợ để phát triển các loại hình doanh nghiệp. Phát triển năng lực cạnh tranh của các đô thị. Đưa khoa học công nghệ trở thành động lực tăng trưởng mới.
Các bộ, ngành, địa phương cần tranh thủ thời điểm hiện nay đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, tăng năng suất lao động, bảo đảm yếu tố tăng trưởng bền vững, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao.
Ngân hàng Nhà nước là đầu mối tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu, kiểm soát tốt luồng vốn tín dụng vào chứng khoán, bất động động sản, bảo đảm thị trường bất động sản khởi sắc nhưng bền vững.
Cũng tại cuộc họp, sau khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ báo cáo về vấn đề độc quyền xuất bản sách giáo khoa, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ rõ có độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục và tình trạng này đã được phân tích khi xây dựng Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
"Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là phải xóa độc quyền và đã được thể hiện trong Đề án nêu trên cũng như việc cấp phép thêm các nhà xuất bản", Phó thủ tướng nói.