10:33 26/05/2025

Thuế kiều hối của ông Trump có thể gây tác động lớn mức nào?

Ngọc Trang

Đây là một phần trong nỗ lực hạn chế người nhập cư bất hợp pháp và trục xuất gần 11 triệu người nhập cư trái phép tại Mỹ của chính quyền Tổng thống Donald Trump...

Mỹ là quốc gia có lượng kiều hối gửi ra nước ngoài lớn nhất thế giới, với hơn 656 tỷ USD năm 2023 - Ảnh: Reuters
Mỹ là quốc gia có lượng kiều hối gửi ra nước ngoài lớn nhất thế giới, với hơn 656 tỷ USD năm 2023 - Ảnh: Reuters

Nằm trong dự luật giảm thuế mà ông Trump miêu tả là “lớn lao, đẹp đẽ” đã được Hạ viện Mỹ thông qua vào thứ Năm tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đánh thuế 3,5% với kiều hối gửi từ Mỹ ra nước ngoài. Thuế này áp dụng với tất cả các khoản tiền gửi ra nước ngoài bởi người không có quốc tịch Mỹ.

Đây là một phần trong nỗ lực hạn chế người nhập cư bất hợp pháp và trục xuất gần 11 triệu người nhập cư trái phép tại Mỹ.

Theo các nhà phân tích, chính sách này có thể sẽ gây tổn hại nhiều nhất tới các hộ gia đình tại Trung Mỹ, đồng thời sẽ thúc đẩy người nhập cư ở Mỹ tìm các con đường phi chính thức để gửi tiền về quê nhà.

Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), Mỹ là quốc gia có lượng kiều hối gửi ra nước ngoài lớn nhất thế giới, với hơn 656 tỷ USD năm 2023.

Việc tăng thuế sẽ làm tăng chi phí kiều hối và đảo ngược nhiều năm nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách trong việc tăng sức cạnh tranh cho các kênh chuyển tiền chính thức.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người nhập cư ở Mỹ vẫn có nhiều cách để lách luật. Ví dụ, họ có thể gửi nhờ bạn bè hoặc thành viên trong gia đình có quốc tịch Mỹ gửi tiền, sử dụng tiền điện tử hoặc thậm chí tham gia “chợ đen” của các dịch vụ tiền mặt phi chính thức để chuyển tiền ra nước ngoài.

“Rõ ràng loại thuế này đánh trực tiếp lên người nghèo”, ông Andrew Selee, Chủ tịch Viện Chính sách Nhập cư (MPI) tại Washington, nhận xét với tờ báo Financial Times. “Việc đánh thuế như vậy cũng gây phiền toái cho công dân Mỹ khi gửi tiền ra nước ngoài, vì giờ đây họ sẽ phải xác nhận quốc tịch để có thể yêu cầu hoàn thuế theo quy định”.

Một trong những quốc gia nhận kiều hối từ Mỹ nhiều nhất là Mexico với 65 tỷ USD năm ngoái. Đây là con số tương đương khoảng 4% GDP của Mexico và nhiều hơn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này.

Trước đó, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum nhiều lần lên tiếng phản đối thuế kiều hối của Mỹ và gọi đây là một hình thức phân biệt đối xử. Đầu tháng này, Mexico thậm chí đã cử một phái đoàn nghị sĩ tới Washington để thảo luận với các nhà lập pháp Mỹ về vấn đề này. 

Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế tại BBVA, chính sách trên của Mỹ sẽ chỉ có tác động nhỏ tới tài khoản vãng lai của Mexico.

“Người nhập cư Mexico tại Mỹ có khả năng chịu các khoản chi phí tăng thêm khi gửi kiều hối tốt hơn so với các nhóm người nhập cư khác”, ông Jesús Cervantes González, giám đốc bộ phận thống kê tại Trung tâm nghiên cứu tiền tệ Mỹ Latinh, nhận xét. “Họ có thể hấp thụ phần chi phí tăng thuê do thuế này và lượng kiều hối gửi về Mexico sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể”.

Tại Trung Mỹ, các quốc gia nhận nhiều kiều hối từ Mỹ như El Salvador, Guatemala và Honduras vẫn chưa lên tiếng về chính sách thuế mới của Mỹ. Kiều hối từ Mỹ tương đương ít nhất 20% GDP của các quốc gia này.

“Đây thực sự là con số rất lớn”, ông William Jackson, chuyên gia kinh tế trưởng về thị trường mới nổi tại Capital Economics, cho biết. “Điều này có thể khiến thu nhập trong nước của các quốc gia này giảm, kéo theo tiêu dùng giảm và khiến tình trạng tài khoản vãng lai xấu đi”.

Ban đầu, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến áp mức thuế kiều hối 5%. Theo ước tính của Ủy ban chung về thuế (JCT) thuộc Quốc hội Mỹ, với mức thuế này, số tiền thuế thu được sẽ tăng thêm 22 tỷ USD vào năm 2034, một con số không lớn so với các loại thuế khác. Do đó, giới phân tích cho rằng mục đích thực sự của chính sách này là nhằm gây khó khăn hơn cho người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ.

“Người nhập cư Guatemala và Honduras tại Mỹ sẽ chịu tác động lớn nhất vì họ gửi phần lớn thu nhập của mình về quê nhà và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn”, ông Cervantes González nhận xét và cho biết tỷ lệ người nhập cư từ hai quốc gia này tại Mỹ cao hơn so với những nơi khác.

Giới chuyên gia cho rằng không dễ đo lường tác động của thuế kiều hối bởi có nhiều nhân tố tác động tới lượng kiều hối, bao gồm suy giảm kinh tế tại Mỹ, làn sóng gửi tiền trước khi ông Trump nhậm chức và chiến dịch trục xuất hàng loạt của chính quyền Trump.

“Có thể sẽ có tác động nhưng tôi cho rằng mức độ sẽ không phải ở tầm vĩ mô”, ông Ricardo Barrientos, giám đốc Viện Nghiên cứu Tài khóa Trung Mỹ, nhận xét.

Số lượng người nhập cư trái phép mới vào Mỹ đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, hiện tại, tốc độ trục xuất người nhập cư trái phiếu của chính quyền Trump đang thấp hơn so với chính quyền tiền nhiệm Joe Biden. Câu hỏi lớn nhất đặt ra lúc này là liệu ông Trump có thể hiện thực hóa cam kết trục xuất hàng loạt mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử hay không.

“Miễn là vẫn ở lại Mỹ, người nhập cư sẽ tìm được cách để gửi tiền về quê nhà bởi đây là mục đích sống của họ”, ông Barrientos nhận xét.