10:39 26/05/2021

Thượng đỉnh Mỹ - Nga có ý nghĩa gì giữa lúc căng thẳng leo thang?

Trang Linh

Đây là cuộc gặp đầu tiên của ông Biden với Tổng thống Nga kể từ khi nhậm chức hồi đầu năm nay...

Ông Biden từng gặp Tổng thống Nga Putin khi còn làm Phó tổng thống dưới thời Barrack Obama - Ảnh: AFP
Ông Biden từng gặp Tổng thống Nga Putin khi còn làm Phó tổng thống dưới thời Barrack Obama - Ảnh: AFP

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến diễn ra vào ngày 16/6 tại Geneva (Thụy Sĩ), trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước leo thăng.

Đây là cuộc gặp đầu tiên của ông Biden với Tổng thống Nga kể từ khi nhậm chức hồi đầu năm nay, được thực hiện sau khi ông tham dự Thượng đỉnh G7 ở Anh và cuộc họp của NATO tại Brussels, Bỉ. 

THƯỢNG ĐỈNH NHẰM TÁI THIẾT LẬP VÀ TÁI CÂN BẰNG QUAN HỆ MỸ - NGA

Chương trình nghị sự dự kiến có thể bao gồm các chủ đề như vấn đề hạt nhân, biến đổi khí hậu và cáo buộc Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử ở nước ngoài.

“Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về những vấn đề cấp bách, trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực khôi phục tính ổn định và dễ đoán định trong quan hệ với Nga", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết ngày 25/5. 

Bà Psaki cho biết Tổng thống Biden cũng sẽ thông qua cuộc gặp này để khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với chủ quyền của Ukraine trong bối cảnh quân đội Nga tăng cường hoạt động ở biên giới nước này. Tại cuộc gặp, Tổng thống Mỹ cũng sẽ nhấn mạnh những quan ngại của Washington về việc Belarus chuyển hướng một chuyến bay của hãng hàng không Ryanair gần đây và sự ủng hộ của Nga đối với nhà lãnh đạo Belarus - Alexander Lukashenko. 

Các quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh rằng cuộc hội đàm trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo nhằm thiết lập lại mối quan hệ Mỹ - Nga và tái cân bằng lại sau nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump - người bị chỉ trích là mềm mỏng với Nga và tránh những hành động cứng rắn với Nga.

Trong khi đó, điện Kremlin cũng xác nhận Tổng thống Putin sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ và cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về mối quan hệ Mỹ - Nga, bao gồm các vấn đề về sự ổn định chiến lược. Bên cạnh đó, chương trình nghị sự cũng sẽ bao gồm chủ đề về các xung đột trong khu vực, đại dịch Covid-19 cũng như việc kiểm soát vũ khí.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã có hai lần điện đàm với người đồng cấp Nga. Trong bài phát biểu trước Quốc hội vào tháng trước, ông cho biết “đã nêu rõ quan điểm với Tổng thống Nga rằng dù Mỹ không muốn leo thang căng thẳng, nhưng hành động của Nga có thể sẽ phải trả giá". 

QUAN HỆ MỸ - NGA XẤU ĐI TRẦM TRỌNG

Quan hệ giữa Mỹ - Nga đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Tổng thống Biden cho biết Mỹ vẫn tìm kiếm cơ hội hợp tác với Nga nhưng sẽ đối đầu trong các vấn đề liên quan đến an ninh mạng và nhân quyền.

Trong một cuộc phỏng vấn vào giữa tháng 3, ông Biden đã gây sốc khi gọi Tổng thống Putin là "kẻ sát nhân". Phát ngôn này làm trầm trọng thêm căng thẳng ngoại giao giữa hai nước. 

Ông Biden gọi Tổng thống Putin là "kẻ sát nhân" - Ảnh: AP
Ông Biden gọi Tổng thống Putin là "kẻ sát nhân" - Ảnh: AP

Trong tháng 4, chính quyền ông Biden đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Nga với cáo buộc can thiệp bầu cử, tấn công mạng máy tính của chính phủ của SolarWinds cũng như các hành động khác. Tháng trước đó, Washington cũng áp lệnh trừng phạt với Nga khi cáo buộc Điện Kremlin cố gắng ám sát lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny bằng cách giam giữ và đầu độc ông này vì mục đích chính trị.

Những ngày gần đây, các quan chức Nga nhấn mạnh rằng việc hàn gắn quan hệ Mỹ - Nga không hề dễ dàng nhưng cả hai bên đều hiểu rõ sự cần thiết của việc này.

Tuần trước, Điện Kremlin bày tỏ sự hoan nghênh với quyết định của Mỹ về việc không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 - cung cấp năng lượng chính từ Nga đến châu Âu. Đây được xem là tín hiệu tích cực.

Tuy vậy, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa chỉ trích ông Biden về cuộc gặp sắp tới với nhà lãnh đạo Nga.

"Chúng ta đang trong cho ông Putin đường ống Nord Stream 2 quý giá và hợp pháp hóa mọi hành động của ông ấy bằng một hội nghị thượng đỉnh”, Thượng nghị sĩ Ben Sasse cho biết và nhận định đây là hành động yếu thế.