16:47 26/12/2023

Thưởng Tết 2024: Nơi nhận vài tỷ, nơi chỉ 100 nghìn

Phúc Minh

Năm nay, lần đầu tiên ghi nhận mức thưởng Tết cao nhất từ trước đến nay, với hơn 5,6 tỷ đồng tính đến thời điểm hiện tại, song mức thấp nhất chỉ 100.000 đồng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cuối tháng 12, một số địa phương bắt đầu công bố báo cáo thưởng Tết. Thống kê chưa đầy đủ, song đã cho thấy có sự chênh lệch đáng kể về mức thưởng cao nhất, thấp nhất giữa các tỉnh, thành phố.

Hiện mức thưởng Tết cao nhất đang thuộc về người lao động ở tỉnh Long An với số tiền hơn 5,6 tỷ đồng.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, đến nay đã có hơn 800 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh báo cáo tiền thưởng Tết Âm lịch năm 2024. Mức tiền thưởng cao nhất là 5,686 tỷ đồng/người thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là công ty chuyên về thiết kế và sản xuất các thiết bị tự động hóa và các bộ phận cơ khí.

Mức tiền thưởng bình quân trên địa bàn tỉnh là 7 triệu đồng/người, mức tiền thưởng thấp nhất 500.000 đồng/người đối với người mới vào làm việc dưới 12 tháng.

Đối với Tết Dương lịch, có 603 doanh nghiệp trên địa bàn đã báo cáo với 50.110 lao động. Mức tiền thưởng bình quân 1 triệu đồng/người; mức cao nhất là 6 triệu đồng/người; mức thấp nhất 100.000 đồng/người đối với người lao động mới vào làm việc dưới 12 tháng.

Địa phương có mức tiền thưởng Tết cao thứ hai là TP. Đà Nẵng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho biết, qua báo cáo của 116 doanh nghiệp, mức thưởng Tết Nguyên Đán Giáp Thìn năm 2024 cao nhất hơn 1 tỷ đồng thuộc về một doanh nghiệp dân doanh, thấp nhất là 200.000 đồng.

Tại các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cao nhất là 45 triệu đồng, thấp nhất là 500.000 đồng.

Các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của Nhà nước, tiền thưởng cao nhất là 150 triệu đồng, thấp nhất là 500.000 đồng.

Nhóm doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) có tiền thưởng Tết Nguyên Đán cao nhất là hơn 311 triệu đồng, thấp nhất là 100.000 đồng.

Mức thưởng Tết cao thứ ba là Quảng Nam với 636 triệu đồng.

Theo thống kê sơ bộ, đến nay đã có hơn 20 địa phương đã công bố tình hình tiền lương, thưởng Tết. Ngoài các tỉnh, thành phố nêu trên còn có: Thanh Hóa, TP. Hải Phòng, Bình Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Tây Ninh, Cà Mau, Thái Nguyên, Lào Cai, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Thuận, Ninh Thuận, Cần Thơ, Bạc Liêu...

Việc công bố thưởng Tết sớm để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Ảnh minh họa - N.Dương.
Việc công bố thưởng Tết sớm để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Ảnh minh họa - N.Dương.

Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương Nguyễn Huy Hưng (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, dù 25/12 là hạn để các địa phương gửi báo cáo lương, thưởng Tết về Bộ để tổng hợp, song đến nay số tỉnh, thành phố có báo cáo chưa nhiều.

Theo ông Hưng, một số địa phương chậm báo cáo chủ yếu là các tỉnh, thành phố có nhiều doanh nghiệp, với số đông lao động làm việc tại địa bàn. Hơn nữa, thông thường mọi năm Tết Dương lịch và Tết Âm lịch gần nhau nên các doanh nghiệp sẽ tập trung vào thưởng Tết Âm lịch nên sớm thông tin cụ thể hơn.

Còn năm 2024, do Tết Dương lịch và Tết Âm lịch cách nhau khá xa nên nhiều doanh nghiệp định hình tiền lương, thưởng Tết Âm lịch chưa được rõ ràng.  “Đây cũng là lý do địa phương chậm gửi báo cáo về Bộ”, ông Hưng lý giải.

Lãnh đạo Cục Quan hệ lao động và Tiền lương cho hay, sau khi tổng hợp từ các địa phương, dự kiến trong tháng 1, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ sớm công bố báo cáo toàn diện về tình hình tiền lương, thưởng Tết, cũng như tình hình nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội…

Tuy nhiên, báo cáo về tình hình lương, thưởng Tết chỉ là thông tin thị trường tham khảo, không bắt buộc, theo nhu cầu của xã hội cũng như phục vụ quản lý Nhà nước thì Bộ, địa phương khảo sát nắm bắt tình hình.

Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, đối với khoản thưởng Tết, người lao động có thể được nhận tiền hoặc tài sản, hoặc bằng các hình thức khác theo quy chế đã công bố của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp không bắt buộc phải thưởng Tết cho người lao động.

Về phía tổ chức Công đoàn, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho hay hiện Công đoàn tiếp tục nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có vấn đề việc làm, thu nhập, thưởng Tết cụ thể. Từ đó huy động thêm các nguồn lực của toàn xã hội nhằm chăm lo tốt nhất cho đoàn viên và người lao động. 

Tổng Liên đoàn cũng đã xây dựng kế hoạch chăm lo Tết và dành một nguồn lực nhất định để có những phần quà cho thăm công nhân trên 63 tỉnh, thành phố, với số lượng khoảng trên 19.000  phần quà. Mỗi phần quà gồm 1 triệu tiền mặt và 300.000 bằng lương thực, cũng như các sản phẩm thiết yếu cho đoàn viên, người lao động. 

Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng chỉ đạo các công đoàn cơ sở căn cứ vào nguồn lực tài chính của mình, và nguồn kết dư của các năm trước, để tính toán một cách phù hợp theo nguyện vọng của đoàn viên, người lao động tại đơn vị mình nhằm chăm lo Tết.

Bên cạnh đó, Công đoàn cũng dành một nguồn lực khoảng trên 500.000 tỷ đồng để chăm lo cho trên 1 triệu đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn bằng tiền mặt, mỗi suất quà là 500.000 đồng…