15:16 13/06/2008

Tiễn biệt đồng chí Võ Văn Kiệt

GS. Đào Nguyên Cát

Đồng chí Võ Văn Kiệt đã nêu một gương sáng về tinh thần tự hoàn thiện mình, dù ở đỉnh cao của quyền lực

Ảnh chụp tháng 2/2006, nhân dịp GS. Đào Nguyên Cát đến thăm gia đình nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Ảnh chụp tháng 2/2006, nhân dịp GS. Đào Nguyên Cát đến thăm gia đình nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Vào năm 2003, nhà báo Huy Đức, người được giao ghi chép những dòng hồi ký của đồng chí Võ Văn Kiệt gọi điện cho tôi, từ Hà Nội để được gặp hỏi thêm về thời kỳ đồng chí học tập tại trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, năm 1951.

>>“Việt Nam đã mất đi một nhà kiến thiết của sự nghiệp đổi mới” / “Suốt đời vì một chữ Dân”

Tôi chưa quen Huy Đức. Vả lại, vấn đề trao đổi lại liên quan tới đồng chí Võ Văn Kiệt mà không có thư giới thiệu nên tôi tìm cách trì hoãn cuộc gặp để được trực tiếp hỏi thêm. Qua điện thoại, đồng chí Võ Văn Kiệt khẳng định với tôi việc này, xin lỗi không kịp báo trước và yêu cầu tôi giúp đỡ.

Tôi gặp và làm việc lần đầu tiên với đồng chí Võ Văn Kiệt vào năm 1951. Khi ấy, vào tháng 3, sau Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 2, đoàn đại biểu Nam Bộ được giữ lại để được học tập và bồi dưỡng thêm lý luận cách mạng Việt Nam.

Đoàn có trên 20 người, trong đó có đồng chí Võ Văn Kiệt. Lúc đó, đồng chí còn rất trẻ, mới 28 tuổi, đã được cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, và là Phó trưởng đoàn.

Lớp học này chỉ dành riêng cho đoàn đại biểu Nam Bộ. Đồng chí Lê Văn Lương, Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách trường, cử chúng tôi gồm: Hoàng Đài, Đặng Gia Tất, Đào Duy Cận, Đào Nguyên Cát và Đỗ Khiêm, khi ấy vừa học tập chỉnh phong tại Trung Quốc trở về, làm Ban Giáo vụ hướng dẫn đoàn học tập và chỉnh phong.

Sau này, khi miền Nam đã hoàn toàn giải phóng và trong thời gian đồng chí Võ Văn Kiệt công tác tại Hà Nội, cũng như khi đồng chí đã nghỉ hưu, trên cương vị là cán bộ tư tưởng của Đảng, tôi có nhiều dịp làm việc với đồng chí. Đối với Thời báo Kinh tế Việt Nam mà tôi là Tổng biên tập, đồng chí có nhiều đóng góp tận tình.

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, không có may mắn được dự các lớp học lý luận dài ngày ở trong nước hay ở nước ngoài, nhưng bằng tự học trên trường cách mạng Việt Nam, đồng chí đã trở thành một người có trí tuệ uyên thâm, một trí thức hàng đầu của đất nước, biết hoài nghi khoa học, biết quyết đoán và một phương pháp tư duy biện chứng.

Sau những năm tháng cách mạng góp phần hoàn thành nhiệm vụ giải phóng và thống nhất Tổ quốc, với đỉnh cao cuộc đời là những năm tháng hoạt động trên cương vị ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng chí Võ Văn Kiệt đã là một trong những trụ cột của Đảng về đổi mới nền kinh tế theo hướng thị trường; đẩy mạnh quá trình hội nhập từ châu Á - Thái Bình Dương đến hội nhập quốc tế, bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Đồng chí đã là nhà kinh tế đầy sáng tạo của đất nước.

Đồng chí Võ Văn Kiệt đã nêu một gương sáng về tác phong dân chủ và bình dân của “Anh Hai Nam Bộ” trong sinh hoạt Đảng, từ cấp cao nhất của Đảng; về tinh thần tự hoàn thiện mình, dù ở đỉnh cao của quyền lực.

Trong đời người, sinh tử, ly biệt là lẽ thường, đặc biệt đối với những người đã quá tuổi “bát thập cổ lai hi”.

Mới mấy tuần trước đây, đồng chí vẫn còn ở Hà Nội. Tôi mới được gặp đồng chí cách đây không lâu và mới được đọc những bài báo ngắn gọn, sắc bén, thẳng thắn, đầy tự tin của đồng chí.

Tin đồng chí Võ Văn Kiệt ra đi làm tôi bàng hoàng, trống trải. Giờ đây, trên diễn đàn báo chí sẽ vắng đi một cây bút uy tín viết về những vấn đề nóng bỏng của đất nước mà mọi người dân đều quan tâm.

Vĩnh biệt đồng chí! Thời báo Kinh tế Việt Nam và chúng tôi ghi mãi ở đồng chí hình ảnh một cán bộ cách mạng kiên trung, một nhà kinh tế sáng tạo; suốt đời gắn bó với dân, nêu gương sáng về tác phong dân chủ.

Đồng chí ra đi, nhưng chắc rằng trong lòng đồng chí chưa thật thanh thản, vì đất nước tuy thắng lợi to lớn nhưng còn bộn bề khó khăn.

Đồng chí hãy tin rằng, các thế hệ sau sẽ tiếp bước trên con đường mà đồng chí đã chọn. Đất nước chúng ta nhất định sẽ tiến lên.

Chúc đồng chí an nghỉ ngàn thu!